2. Nguyên tắc phân quyền hành chính
Việc phân quyền là một nguyên tắc tiên tiến nhất trong khoa quản trị học
hiện đại. Nguyên tắc này không những được áp dụng vào trong thuật trị
nước nhằm giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương và Chính
quyền địa phương mà còn là một kỹ thuật quản trị phổ biến tại công ty xí
nghiệp.
Hiện nay, có một nghịch lý về mặt quản lý đất nước là tình trạng tập
trung mọi quyết định vào Chính phủ Trung ương tồn tại song hành với tình
trạng cát cứ địa phương. Hậu quả là nền kinh tế bị phân mảnh, chia cắt,
đồng thời hiệu lực quản lý và khả năng điều chỉnh ứng phó với tình hình
của chính quyền bị giảm sút.
Để khắc phục tình hình này, trong việc cải tổ phải phối hợp các nguyên
tắc quan trọng làm cơ bản cho mối quan hệ giữa các cơ quan Trung ương
và giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Các nguyên
tắc đó là tản quyền (déconcentration) và phân quyền (décentralisation). Tuy
phân quyền là một phương pháp rất tiên tiến và hiệu quả, hiện chúng ta
chưa đủ các điều kiện cần thiết để có thể áp dụng hoàn toàn phương pháp
đó. Chẳng hạn, nguyên tắc phân quyền địa phương đòi hỏi phải có chính
quyền địa phương dân cử để giải quyết vấn đề quản lý tại địa phương dưới
sự kiểm soát của chính phủ Trung ương, một sự kiểm soát chỉ có tính chất
hành chính đơn thuần. Nếu áp dụng nguyên tắc này trong điều kiện hiện
nay sẽ dễ dẫn đến tình trạng phân hóa như trước, vì sự kiểm soát của Chính
phủ Trung ương sẽ trở nên không hữu hiệu, vai trò của các cấp ủy Đảng tại
địa phương sẽ trở nên quá mạnh mẽ, các quyết định của Chính phủ Trung
ương sẽ kém hiệu lực chấp hành.
Việc cải tổ nền hành chính cần thiết nhằm tới việc thực hiện hội nhập
kinh tế quốc gia, tiền đề cần thiết cho mọi kế hoạch phát triển kinh tế, còn
việc hữu hiệu hóa bộ máy quản lý là yếu tố hỗ trợ cho công cuộc hội nhập
kinh tế, không nên trở thành sự cản ngại cho việc hội nhập này. Do đó, cần
phối hợp áp dụng cả hai nguyên tắc tản quyền và phân quyền.