Đối với việc quản lý tại địa phương, nguyên tắc phân quyền sẽ được áp
dụng ở cấp xã, còn từ cấp quận, huyện trở lên sẽ áp dụng nguyên tắc tản
quyền. Như vậy, chính quyền địa phương của cấp tỉnh, thành phố, quận
huyện là đại diện của chính phủ Trung ương tại địa phương, do chính phủ
trung ương bổ nhiệm và được giao phó thẩm quyền quyết định những vấn
đề thuộc phạm vi địa phương. Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ có
vai trò kiểm tra, giám sát, không trực tiếp quản lý. Ở cấp xã, Hội đồng
Nhân dân xã đề cử đại biểu điều hành ủy ban hành chính xã, theo cơ chế
quản lý trực tiếp dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương cấp trên.
Đối với các định chế công có chức năng phục vụ công ích, nguyên tắc
phân quyền nên áp dụng thay cho nguyên tắc tản quyền đã áp dụng từ trước
đến nay. Đó là sự phân quyền tài sản. Theo đó, những định chế công phục
vụ công ích sẽ được hưởng quy chế tự trị, nhất là tự trị về mặt ngân sách,
thí dụ Ngân hàng Nhà nước, các trường đại học, các tổ chức công hoạt
động trong lĩnh vực công thương nghiệp như điện, nước, vận tải công cộng,
bưu điện, viễn thông… Sự phân quyền này sẽ giúp tăng cường hiệu lực
quản trị của các định chế công, tránh sự ôm đồm của Chính phủ vào quá
nhiều vấn đề chuyên biệt, cả về mặt quản lý lẫn ngân sách.
Trong việc áp dụng các nguyên tắc tản quyền và phân quyền, cần lưu ý
đến việc tổ chức hệ thống kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước về các mặt
hành chính và ngân sách. Hệ thống kiểm tra này là công cụ cần thiết của
Nhà nước để duy trì sự thống nhất của quyền lực quốc gia.
3. Nguyên tắc chuyên nghiệp
Việc áp dụng nguyên tắc chuyên nghiệp có những hệ quả rất quan trọng
đối với việc cải tổ nền hành chính quốc gia. Thứ nhất, nó giúp phân biệt
giữa Chính phủ, một định chế chính trị với bộ máy hành chính có chức
năng hành chính. Như vậy thành viên của nội các (các Bộ, Thứ trưởng) là
những nhà chính trị trong khi nhân viên hoạt động trong bộ máy hành chính
là những công chức. Nội các có thể thay đổi do nhu cầu chính trị, còn bộ
máy hành chính luôn tồn tại lâu dài với tư cách là công cụ chuyên môn