theo một cách hơi khác. Bây giờ bạn hãy bịt khe bên trái lại, và bắn các
photon từng hạt một tới màn chắn. Một số hạt sẽ đi qua được và một số hạt
thì không. Những hạt đi qua khe sẽ tạo trên kính ảnh từng chấm một và
cuối cùng ta sẽ nhận được hình như trên Hình 4.4. Sau đó, bạn thay tấm
kính ảnh mới và làm lại thí nghiệm trên, nhưng lần này cả hai khe đều mở.
Gần như là tự nhiên bạn sẽ nghĩ rằng, điều này chỉ làm tăng số photon đi
qua các khe trên màn chắn và đập vào kính ảnh, do đó phim được phơi sáng
nhiều hơn so với lần thí nghiệm đầu tiên. Nhưng khi xem xét bức ảnh nhận
được sau đó, bạn mới thấy rằng không những chỉ có những chỗ mà trong
lần thí nghiệm thứ nhất là tối thì bây giờ là sáng đúng như ta chờ đợi, mà
còn có những chỗ trên kính ảnh là sáng trong lần thí nghiệm thứ nhất thì
bây giờ lẽ ra phải là sáng hơn, nhưng thực tế lại là tối, như ta thấy trên Hình
4.8. Bằng cách tăng số photon riêng rẽ đập vào kính ảnh, bạn lại làm giảm
độ sáng trong một số vùng nào đó.
Hóa ra, bằng cách nào đó, các hạt
photon tách biệt nhau về thời gian lại có thể triệt tiêu lẫn nhau.
Bạn
hãy thử nghĩ xem, lẽ nào điều này lại không điên rồ hay sao: các photon đi
qua hai khe bên phải rồi đập vào kính ảnh và tạo một chấm sáng ở đúng
chỗ một vân tối trên Hình 4.8 lại không làm được như vậy khi mở cả khe
bên trái (chính vì thế mới có vân tối này khi mở cả hai khe). Nhưng làm thế
nào mà một photon đi qua khe bên phải lại chịu ảnh hưởng của việc khe
bên trái có mở hay không. Như Feynman đã từng nhận xét, điều này cũng
lạ lùng như khi bạn bắn súng máy lên màn chắn và khi cả hai khe đều mở,
những viên đạn được bắn độc lập và tách rời nhau bằng cách nào đó lại có
thể triệt tiêu nhau và để lại trên bia những vị trí còn nguyên vẹn, mặc dù
khi mở chỉ một khe những vị trí đó đều bị đạn bắn vào.
Những thí nghiệm như vậy cho thấy các hạt của Einstein hoàn toàn
khác các hạt của Newton. Không hiểu bằng cách nào mà các photon -
mặc dù là các hạt - lại thể hiện cả những đặc điểm tựa như sóng của
ánh sáng.
Việc năng lượng của các hạt này được xác định bởi tần số - một
đặc trưng của sóng - chính là manh mối đầu tiên cho sự kết hợp lạ lùng đó.
Hiệu ứng quang điện chứng tỏ rằng ánh sáng có tính chất hạt. Thí nghiệm
hai khe lại chứng minh rằng ánh sáng thể hiện những tính chất giao thoa