thêm dần vào đó được gọi là các nhiễu loạn đối với giá trị ước tính ban đầu.
Nếu như lý thuyết nhiễu loạn được áp dụng một cách thích đáng và có hiệu
quả, thì giá trị ước tính ban đầu sẽ khá gần với đáp số cuối cùng, đồng thời
những chi tiết mà ta đã bỏ qua trong ước tính ban đầu sẽ chỉ tạo ra những
khác biệt nhỏ trong kết quả cuối cùng. Nhưng cũng có khi bạn tới thanh
toán lại nhận được hóa đơn với số tiền khác xa với ước tính của bạn. Mặc
dù bạn có thể dùng một thuật ngữ khác tình cảm hơn, nhưng trong giới
chuyên môn, trường hợp này được gọi là sự thất bại của lý thuyết nhiễu
loạn. Điều này có nghĩa là phép gần đúng ban đầu chưa phải là một chỉ dẫn
tốt để đi tới đáp số cuối cùng, bởi vì phần “bổ chính” thay vì gây ra những
sai khác nhỏ lại dần tới những thay đổi lớn so với ước tính thô ban đầu.
Như đã đề cập một cách ngắn gọn trong những chương trước, sự thảo luận
của chúng ta về lý thuyết dây cho tới lúc này đều dựa trên cách tiếp cận
nhiễu loạn na ná như phương pháp mà người thợ sửa xe đã dùng. “Sự hiểu
biết chưa đầy đủ” về lý thuyết dây mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn nhắc tới,
theo cách này hay cách khác, đều bắt nguồn từ phương pháp gần đúng này.
Để hiểu được rõ hơn nhận xét quan trọng đó, ta hãy xét lý thuyết nhiễu loạn
trong một bối cảnh ít trừu tượng hơn lý thuyết dây nhưng lại gần với áp
dụng của nó trong lý thuyết dây ví dụ về người thợ sửa xe mà ta vừa trình
bày ở trên.