theo cùng một quỹ đạo cong, tuần hoàn xung quanh quả bowling, nghĩa là
nó sẽ “quay quanh” quả bowling. Cách diễn đạt như thế là đã dự liệu trước
để áp dụng sự tương tự đó cho hấp dẫn.
Giống như quả bowling, Mặt Trời làm cong cấu trúc của không gian
bao quanh nó và chuyển động của Trái Đất, giống như chuyển động
của viên bi, được xác định bởi hình dạng của sự cong đó.
Trái Đất,
giống như viên bi, sẽ chuyển động xung quanh Mặt Trời nếu như vận tốc
và sự định hướng của nó có các giá trị thích hợp. Tác dụng này trên Trái
Đất chính là cái mà chúng ta thường viện đến như là tác dụng hấp dẫn của
Mặt Trời và được minh họa trên Hình 3.5. Nhưng bây giờ sự khác biệt là ở
chỗ, không giống như Newton, Einstein đã chỉ ra được cơ chế truyền của
hấp dẫn: đó là sự cong của không gian. Theo quan điểm của Einstein, sợi
dây hấp dẫn giữ Trái Đất trên quỹ đạo của nó không phải là một tác dụng
tức thời bí ẩn nào đó của Mặt Trời nữa, mà đó là sự cong của cấu trúc
không gian gây bởi sự hiện diện của Mặt Trời.
Hình 3.5. Trái Đất được giữ trên quỹ đạo của nó xung quanh Mặt Trời là
bởi vì nó lăn dọc theo một thung lũng trong cấu trúc không gian bị uốn
cong. Nói một cách chính xác hơn, nó đi theo “con đường ít trở ngại nhất”
trong vùng bị biến dạng xung quanh Mặt Trời.
Bức tranh này cho phép chúng ta hiểu được hai đặc điểm căn bản của hấp
dẫn theo cách mới. Thứ nhất, quả bowling càng nặng thì sự biến dạng do