nó gây ra cho màng cao su càng lớn. Tương tự như thế, trong sự mô tả của
Einstein về hấp dẫn, một vật có khối lượng càng lớn, thì sự biến dạng mà
nó gây ra cho không gian xung quanh cũng càng lớn. Điều này dẫn tới hệ
quả là một vật càng nặng, thì tác dụng hấp dẫn của nó lên các vật khác càng
lớn, điều này hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm của chúng ta. Thứ hai,
cũng như sự biến dạng của màng cao su do quả bowling gây ra sẽ càng nhỏ
khi ta càng ở xa nó, mức độ cong của không gian do một vật nặng như Mặt
Trời gây ra sẽ giảm khi khoảng cách tới vật đó tăng. Điều này lại một lần
nữa hoàn toàn phù hợp với sự hiểu biết của chúng ta về hấp dẫn: lực hấp
dẫn càng yếu khi khoảng cách giữa các vật càng lớn.
Một điểm quan trọng cần phải lưu ý là, bản thân viên bi cũng làm biến dạng
màng cao su, mặc dù chỉ ít thôi. Tương tự, Trái Đất cũng làm cong cấu trúc
của không gian, mặc dù là nhỏ hơn rất nhiều so với Mặt Trời. Nói theo
ngôn ngữ của thuyết tương đối rộng, thì điều này giải thích tại sao, Trái Đất
lại giữ được Mặt Trăng trên quỹ đạo và Trái Đất giữ được chúng ta gắn
chặt với bề mặt của nó. Hãy tưởng tượng một người nhảy dù: quá trình rơi
xuống đất của anh ta thực chất là sự trượt xuống theo chỗ trũng của cấu
trúc không gian mà khối lượng của Trái Đất đã tạo ra. Hơn thế nữa, mỗi
chúng ta, cũng giống như bất cứ một vật có khối lượng nào khác, đều làm
cong cấu trúc không gian ở lân cận cơ thể chúng ta, mặc dù khối lượng
tương đối nhỏ bé của cơ thể con người chỉ gây ra được những biến dạng
chút xíu thôi.
Nói tóm lại, Einstein hoàn toàn đồng ý với phát biểu của Newton nói rằng:
“Hấp dẫn cần phải được gây bởi một tác nhân nào đó”, nhưng ông đã vượt
qua sự thách thức của Newton nói rằng bản chất của tác nhân nói trên xin
nhường để “cho độc giả xem xét”. Tác nhân của hấp dẫn, theo Einstein, đó
là cấu trúc không-thời gian của Vũ trụ.