Nhưng dù qua một kẽ hở rất nhỏ, tôi cũng nhìn thấy ngoài đường rất
đông người đi lại. Các anh lính Việt cộng đều mang băng xanh hoặc băng
trắng nơi cánh tay áo.
Không khí đường phố thay đổi thật đột ngột, bên cạnh những khuôn mặt
lo lắng núp sau những cánh cửa, có những bộ mặt tươi cười, ra chiều hết
sức hớn hở. Nhà ông giáo Kê, một người đàn ông đứng tuổi đã bỏ nhà đi
tập kết hơn mười năm, bỗng xuất hiện. Ông ta có một bà vợ hàng ngày đi
bán chè và một cậu con trai khoảng chừng 17, 18 tuổi. Sự xuất hiện của
ông giáo Kê làm mọi người lo lắng. Mạ tôi nói giọng run run:
- Thôi chết rồi, ông nớ về là ông biết hết trong vùng ni, thế nào ông cũng
bắt bớ lung tung cho coi."
Tuy lo vậy, nhưng nhân vật ông giáo Kê cũng chưa làm cho chúng tôi
kinh hoàng bằng hai căn nhà ngay ở đầu đường Nguyễn Hiệu bỗng trở
thành nơi ra vào tấp nập của các anh cán binh Việt cộng. Người ta đồn với
nhau có hai nữ sinh viên là cán bộ nằm vùng. Hai cô ở ngay căn nhà đầu
đường, có người trông thấy hai cô mặc quần tây, áo sơ mi, đội nón lá đi đi
lại lại trên đường, lưng đeo súng lục kiểu Tiệp Khắc. Tôi không biết được
tên của các cô, nhưng người ta cho biết hai cô là sinh viên trước ở Sài Gòn.
Tôi đoán một vài tên trong số bạn cũ quen thuộc, nhưng chưa có gì làm
bằng cớ chắc chắn.
Cũng nơi đường Nguyễn Hiệu, một ông thợ mã trước theo Việt cộng, đã
trở về hồi chánh nay trở thành cán bộ nằm vùng. Người ta lo nhất là bộ mặt
này. Anh ở đây đã lâu, và thế nào anh cũng lập công, chỉ điểm một số
thường dân. Má tôi lo lắng hỏi tôi có làm chi cho ông ta thù oán không. Tôi
suy nghĩ mãi không tìm ra chuyện gì, tuy nhiên tôi cũng không an tâm.
Mấy ngày liền tôi không dám ra đường. Má tôi hễ thấy mặt tôi ló nhìn ra
khe cửa là lôi lại, kéo tuốt vô trong buồng, đóng cửa kín mít.