Hình 22: Cách tiếp cận truyền thống trong Sáng tạo học và
PPLSTVĐM
Đi vào cụ thể, nhóm tiếp cận truyền thống gồm có: cách tiếp cận theo
lôgích học hình thức; cách tiếp cận thuần túy tâm-sinh lý (đặc biệt là tâm lý)
của bộ não; cách tiếp cận thuần túy về kinh nghiệm, mẹo, thủ thuật của
những người thường xuyên làm công tác sáng tạo (đặc biệt những người có
nhiều thành tích sáng tạo cao); cách tiếp cận là tổ hợp của các loại cách tiếp
cận nói trên; cách tiếp cận kết hợp những kết quả nghiên cứu về sáng tạo của
con người với những ưu việt của máy tính điện tử như bộ nhớ lớn, chính
xác, tốc độ biến đổi thông tin nhanh… Cách tiếp cận không truyền thống sẽ
được trình bày từ mục 4.2. Cách tiếp cận TRIZ: Các ý tưởng cơ bản đến hết
chương này.
Đến nay nhóm tiếp cận truyền thống đã xây dựng được hàng trăm công cụ
(hiểu theo nghĩa rộng nhất: mẹo, thủ thuật, lời khuyên, kinh nghiệm, quy tắc,
phương pháp, chương trình, thủ tục, algôrit, mô hình…) sáng tạo nhằm cải
tiến phương pháp thử và sai. Chúng nhiều khi còn được gọi chung là các
phương pháp tích cực hóa tư duy. Nét chung của các phương pháp này là
chúng được tạo ra để phát huy các mặt mạnh của các yếu tố, quá trình như
suy luận (tiếp nhận, so sánh, phân loại thông tin, diễn dịch, quy nạp, phân
tích, tổng hợp…), liên tưởng, trí tưởng tượng, linh tính, ý thức, tiềm thức, vô
thức… và hạn chế các mặt yếu của chúng. Nói cách khác, các công cụ này
giúp khắc phục một số nhược điểm của phương pháp thử và sai (xem mục
2.3.2 Các nhược điểm của phương pháp thử và sai) như: tính ì tâm lý, năng
suất phát ý tưởng thấp, lãng phí lớn và trong một số trường hợp cụ thể, có
thể làm tăng tính định hướng của quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra
quyết định.
Dưới đây, người viết liệt kê tên một số công cụ thông dụng nhất trong
hàng trăm các công cụ tư duy sáng tạo giải quyết vấn đề và ra quyết định tìm
ra nhờ những cách tiếp cận truyền thống: