chọn: nâng cao năng lực cơ thể hoặc chế tạo công cụ, loài người chọn cách
thứ hai để có được sự phát triển rộng rãi và nhanh chóng. Ví dụ, để giải
quyết vấn đề đi nhanh, loài người không đi theo hướng nghiên cứu cơ thể để
đề ra các phương pháp luyện tập nhằm đạt mục đích đi nhanh (nếu có, chỉ
dành cho một số rất ít người là các vận động viên thể thao). Loài người sáng
chế ra các công cụ là các loại xe mà bất kỳ người bình thường nào cũng có
thể sử dụng để đi nhanh. Tương tự như vậy, để nhìn xa, loài người không đi
theo hướng nghiên cứu mắt và xây dựng các phương pháp luyện tập mắt để
làm tăng năng lực của mắt mà chế tạo ra công cụ là ống nhòm. Lúc này, mỗi
người bình thường chỉ cần đưa ống nhòm lên mắt là lập tức nhìn rất xa.
Có vài điểm cần đặc biệt lưu ý đối với việc loài người nghiên cứu và phát
triển công cụ. Thứ nhất, nguyên lý hoạt động của công cụ chủ yếu và thường
được xây dựng dựa trên các quy luật khách quan độc lập với cơ thể của con
người. Ví dụ, nguyên lý hoạt động của ống nhòm dựa trên các quy luật về
quang hình học, nguyên lý hoạt động của các động cơ nhiệt dựa trên các quy
luật nhiệt động lực học. Thứ hai, chỉ đến giai đoạn chuẩn bị đưa công cụ ra
áp dụng đại trà, các nhà thiết kế mới tính đến những đặc điểm cơ thể của con
người sử dụng công cụ.
Từ những gì trình bày ở trên, cách tiếp cận của TRIZ: xây dựng
PPLSTVĐM dựa trên các quy luật phát triển khách quan độc lập với cơ thể
con người, rõ ràng phù hợp với cách xây dựng công cụ của loài người hơn là
những cách tiếp cận truyền thống. Nói như vậy, không có nghĩa các quy luật
tâm – sinh lý bị bỏ qua. Trái lại, các quy luật tâm – sinh lý quan trọng ở chỗ,
giúp các nhà nghiên cứu thiết kế, xây dựng PPLSTVĐM thân thiện với
người sử dụng, hiểu theo nghĩa, phù hợp với những đặc thù của tâm – sinh
lý con người. Mặt khác, các quy luật tâm – sinh lý còn giúp người sử dụng
PPLSTVĐM biết cơ sở tâm – sinh lý của tư duy để có thể điều khiển tư duy
của mình phát các ý tưởng sáng tạo và đổi mới hướng theo các quy luật
khách quan về sự phát triển sự vật, chứ không phải phát các ý tưởng bị chi
phối bởi các yếu tố tâm – sinh lý chủ quan.
4.2.5. Quan hệ giữa tài năng và công cụ