4.2.4. Phát triển của con người: Năng lực cơ thể hay/và công cụ
Trong thế giới sinh vật, sự tiến hóa và phát triển của các loài vật, trước hết
và chủ yếu là sự tiến hóa và phát triển các năng lực cơ thể để, một mặt, thích
nghi hơn với môi trường (nếu môi trường không thay đổi), mặt khác, đối
phó với những thay đổi của môi trường. Sự phát triển tự nhiên kiểu này diễn
ra rất dài về mặt thời gian. Ví dụ, tổ tiên của loài ngựa là một loại thú nhỏ,
chân có năm ngón, những ngón đó lại có vuốt nhọn, giúp ích cho nó đi dễ
dàng trên mặt đất gồ ghề trong rừng. Khi các rừng cây thưa thớt dần,
nhường chỗ cho các thảo nguyên, tổ tiên của ngựa bắt buộc phải đi ra những
chỗ trống trải. Ở đó, nếu gặp nguy thì không có chỗ ẩn nấp: chỉ còn cách
thoát nạn là chạy trốn. Các bộ phận cơ thể của tổ tiên ngựa dần thay đổi:
chân dài ra, chỉ còn lại có một ngón với móng rất cứng để chạy nhanh.
Tương ứng với chân dài, cổ cũng dài ra để gặm được cỏ. Răng ngựa cũng
biến đổi để có thể nghiền nát nhanh những thứ cỏ cứng mọc trên thảo
nguyên. Sự phát triển các năng lực cơ thể của ngựa như chân, cổ và hàm
răng đã trải qua thời gian năm mươi triệu năm mới hoàn thành và trả giá
bằng rất nhiều cá thể bị chọn lọc tự nhiên đào thải.
Tổ tiên của con người với tư cách động vật, lúc đầu cũng phát triển theo
cách tự nhiên nói trên nhờ biến dị, di truyền, sàng lọc một cách mò mẫm, bị
động và kéo dài về mặt thời gian. Bước ngoặt xảy ra khi con người bắt đầu
sử dụng các công cụ là những phương tiện nằm ngoài cơ thể người. Những
công cụ đầu tiên là những công cụ trong thiên nhiên như lửa từ núi lửa hay
những đám cháy rừng, hòn đá, cành cây có sẵn với hình dạng thích hợp
được hoàn thiện thêm đôi chút. Lúc này, phát triển của con người bao gồm
cả phát triển các năng lực của cơ thể và công cụ. Tiếp theo, con người tự
sáng chế ra các công cụ (hiểu theo nghĩa rộng nhất) không có sẵn trong thiên
nhiên với hàm lượng tri thức ngày càng cao.
Thực tế phát triển của con người cho thấy, những thành tựu đạt được qua
các thời đại, chủ yếu, là nhờ con người sáng chế ra và làm việc bằng các
công cụ ngày càng hoàn thiện hơn trước chứ không phải do năng lực cơ thể
(tâm-sinh lý) của con người cao hơn trước. Nếu loài người đứng trước sự lựa