của bạn mới thực sự phát huy tác dụng tối đa: vừa dễ sử dụng trong các tình
huống cụ thể, vừa có phạm vi áp dụng rộng phù hợp với quy luật mà không
cần phải nhớ nhiều.
1.2. Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của
chúng
Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (viết tắt là PPLSTVĐM) là bộ môn
khoa học liên ngành, có các khái niệm của mình và các khái niệm lấy từ các
bộ môn khoa học khác.
Trong mục 1.2 này, người viết sẽ trình bày một số khái niệm cơ bản của
PPLSTVĐM để bước đầu có ngôn ngữ chung giữa người viết và người đọc.
Những khái niệm khác sẽ dần dần được đưa vào ở những mục sau, khi cần
dùng đến.
Phương pháp (tiếng Anh là Method) là cách thức, quá trình thực hiện
một công việc nào đó với hiệu quả cao.
Từ gốc Hy Lạp của "phương pháp" là "methodos", có nghĩa đen là "con
đường dẫn đến một cái gì đó" và được hiểu theo nghĩa thông dụng là "cách
đạt đến mục đích".
Vai trò quan trọng của phương pháp trong các hoạt động của con người đã
được các dân tộc đánh giá cao từ rất lâu. Điều này thể hiện trong nội dung
của nhiều câu tục ngữ. Ví dụ, ở nước ta có câu "Cho vàng không bằng chỉ
đàng làm ăn". Có người còn nói chệch là "Thà rằng cho vàng chứ nhất định
không chỉ đàng làm ăn". Ở Trung Quốc có câu tục ngữ "Cho một người một
con cá và người đó ăn được một ngày – Dạy người đó cách bắt cá, sẽ có cá
ăn hàng ngày". Sau này, các danh nhân, các nhà khoa học lại càng coi trọng
phương pháp. René Descartes, nhà toán học, triết học nổi tiếng, cách đây
bốn thế kỷ, đã nhấn mạnh: "Thà rằng đừng nghĩ đến chuyện tìm kiếm chân