vào giáo dục, đào tạo. Như chúng ta biết sáng tạo mức cao đòi hỏi hàm
lượng tri thức cũng cao. Do vậy, so sánh giữa Mỹ và Nhật có thể thấy: Mỹ
tập trung đầu tư đào tạo tầng lớp tinh hoa (cao học trở lên) tốt hơn Nhật, còn
Nhật đào tạo chương trình phổ thông tốt hơn Mỹ. Tuy nhiên, với thời gian,
tình hình dần thay đổi. Để không mất nhiều lợi nhuận vào tay Nhật, nhiều
công ty Mỹ đã chú ý hơn những cải tiến nhỏ (sáng tạo mức thấp). Ngược lại,
Nhật sau khi đã giải xong bài toán thiếu tiền, ngày càng tập trung nhiều hơn
vào việc xây dựng môi trường để có sáng tạo mức cao: đã xuất hiện những
người Nhật nhận giải Nobel từ chính nước Nhật. Tuy vậy, đây không phải là
công việc dễ dàng. Cũng chính L. Thurow cho biết: "Nước Nhật, như chính
người Nhật công nhận, có vấn đề về sáng tạo" ("Japan, as the Japanese
themselves recognize, has a creativity problem"). Khi L. Thurow viết như
vậy, bạn đọc cần hiểu là nước Nhật có vấn đề về sáng tạo mức cao chứ
không phải người Nhật không sáng tạo. Người viết cho rằng những thông tin
nói trên cần được những người hoạch định chính sách ở nước ta tính đến.
Nghiên cứu xếp loại các patent theo năm mức sáng tạo nói trên, G.S.
Altshuller rút ra các con số thống kê sau:
◊ 32% số bằng cấp cho sáng chế ở mức 1
◊ 45% số bằng cấp cho sáng chế ở mức 2
◊ 19% số bằng cấp cho sáng chế ở mức 3
◊ Gần 4% số bằng cấp cho sáng chế ở mức 4
◊ Gần 0,3% số bằng cấp cho sáng chế ở mức 5
Ta thấy tỷ trọng các sáng chế mức cao (từ mức ba trở lên) không lớn
nhưng chúng chính là nguồn tạo ra những tiến bộ, bước ngoặt trong công
nghệ. Do vậy, việc sáng chế ra những "công cụ" giải các bài toán mức cao
có ý nghĩa rất to lớn trong việc làm tăng số lượng và tỷ trọng các sáng chế
mức cao.