Một người, dù rơi vào trường hợp một hay rơi vào trường hợp hai đều có
vấn đề. Trường hợp hai chính là quá trình ra quyết định: thực hiện việc xem
xét, đánh giá, cân nhắc, lựa chọn trong số các cách (phương án) đã biết ra
cách (phương án) tối ưu để đem dùng trong thực tế.
Có những tình huống, ở đó trường hợp một chuyển hóa thành trường hợp
hai và ngược lại. Ví dụ, một người thường 12 giờ đêm lên giường đi ngủ.
Một đêm, sau khi lên giường, người đó trằn trọc hoài không ngủ được.
Người đó có vấn đề vì người đó biết mục đích là "ngủ" nhưng có thể rơi vào
một trong hai trường hợp sau:
1. không biết cách để ngủ được,
2. biết bốn cách có thể ngủ được: a) uống thuốc ngủ; b) đếm thầm trong
đầu 1, 2, 3, 4… cho đến khi ngủ thiếp đi; c) làm một số động tác thư giãn,
sau đó đặt lưng xuống giường dễ ngủ hơn; d) lôi truyện ra đọc cho đến khi
mỏi mắt, rớt truyện và sa vào giấc ngủ, nhưng người đó không biết cách nào
là tối ưu cho mình.
Nếu rơi vào trường hợp hai, người đó phải suy nghĩ ra quyết định kiểu
như sau: 12 giờ đêm rồi mà thuốc ngủ không có sẵn, phải đi mua, cách này
không thích hợp. Tập các động tác thư giãn hoặc bật đèn đọc truyện ảnh
hưởng đến những người cùng phòng. Vậy tối ưu là đếm thầm trong đầu 1, 2,
3, 4… Nếu người đó ngủ được, vấn đề được giải quyết. Còn nếu đếm đã tới
tỷ mấy mà vẫn không ngủ được, người đó coi vấn đề vẫn chưa được giải
quyết bằng cách tối ưu. Lúc này, người đó chuyển sang trường hợp thứ nhất:
xem như mình không biết cách nào để ngủ được cả, hãy suy nghĩ tìm cách
mới. Như vậy, trường hợp thứ hai có thể chuyển hóa thành trường hợp một.
Ngược lại, giả sử khởi đầu người đó ở trường hợp một: không biết cách để
ngủ được. Người đó phải suy nghĩ để giải quyết vấn đề của mình. Nếu người
đó tìm ra không phải một cách mà từ hai cách trở lên trong khi thực tế chỉ
dùng có một cách (chứ không phải cùng một lúc nhiều cách), người đó phải
suy nghĩ tiếp để ra quyết định dùng cách tối ưu trong số các cách tìm ra. Nói
cách khác, trường hợp một lại chuyển hóa thành trường hợp hai.