Với định nghĩa vấn đề (bài toán) trình bày ở trên, chúng ta thấy vấn đề có
thể là câu hỏi chưa có câu trả lời, các bài tập các loại phải giải khi đi học,
các kỳ kiểm tra, thi, lựa chọn nghề nghiệp chuyên môn để được đào tạo, xin
việc làm, nhà ở, thu nhập, mua sắm, hôn nhân, gia đình, nuôi dạy con cái,
sức khỏe… Do vậy, không phải không có lý khi nói rằng: “Cuộc đời của mỗi
người là chuỗi các vấn đề cần phải giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải
ra”. Cuộc đời khổ hay sướng, hạnh phúc hay không hạnh phúc tùy thuộc, ở
mức độ rất lớn, vào việc con người cho trước giải quyết các vấn đề và ra
quyết định như thế nào trên mỗi bước đường đi của cuộc đời mình.
Các vấn đề rất đa dạng. Người ta có thể phân loại chúng theo những tiêu
chuẩn khách quan hoặc chủ quan nhất định. Dưới đây, người viết thử liệt kê
một số và lưu ý bạn đọc: Việc phân loại các vấn đề không nên hiểu một cách
chính xác tuyệt đối, vì có nhiều trường hợp, vấn đề cho trước vừa thuộc loại
này và vừa thuộc loại khác.
Phân loại theo địa lý: địa phương, quốc gia, khu vực, toàn cầu, vũ trụ.
Phân loại theo lĩnh vực: đời sống, nghề nghiệp, chuyên môn các loại.
Phân loại theo chủ sở hữu bài toán: bài toán của người này, bài toán của
người khác. Trong đó, có những bài toán phải chính chủ sở hữu giải,
không ai có thể giải thay được.
Phân loại theo số lượng người tham gia giải bài toán: cá nhân, tập thể…
Phân loại theo mức khó của bài toán: có bài toán hầu như người nào
cũng giải được và có bài toán chỉ những người xuất chúng mới giải
được.
Phân loại theo thang bậc trách nhiệm: người thường, quản lý, lãnh đạo
các cấp.
Phân loại theo thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai.
Phân loại theo mức độ quan trọng, ưu tiên.
Phân loại theo mức độ cấp bách.