thể có. Nói cách khác, người giải về mặt nguyên tắc, phải phát hiện hết tất
cả các bài toán cụ thể rút ra từ tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên.
Tiếp theo, người giải phải phát biểu, phân tích, đánh giá các bài toán cụ
thể đó để lựa chọn ra đúng bài toán cụ thể cần giải. Ví dụ, với đứa bé cụ thể
này: Tìm cách cho ăn thích hợp mới là bài toán đúng cần giải. Với đứa bé cụ
thể khác, bài toán đúng cần giải lại là bài toán chữa bệnh. J. Dewey nhấn
mạnh: "Bài toán được phát biểu đúng là bài toán đã giải được một nửa".
Thực tế cho thấy, có một nhược điểm rất lớn thường xảy ra ở giai đoạn
này: người giải vừa phát hiện ra một bài toán cụ thể đã lao vào giải ngay,
không biết rằng có nguyên cả phổ các bài toán cụ thể có thể có của tình
huống vấn đề xuất phát ưu tiên cho trước và bài toán cụ thể đúng cần giải lại
là bài toán cụ thể khác.
Những sai lầm, nếu xảy ra ở giai đoạn A và B có thể coi là những sai lầm
mang tính chiến lược vì xác định sai tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên
hoặc xác định không đúng bài toán cụ thể cần giải sẽ làm những nỗ lực ở
những giai đoạn sau trở nên vô ích. Đây là những nguyên nhân quan trọng
dẫn đến lãng phí lớn trong đầu tư ở tất cả các lĩnh vực.
Giai đoạn C: Tìm thông tin giải bài toán
Khi được ca ngợi là người khổng lồ trong khoa học, Newton đáp lại, đại
ý: "Tôi không phải là người khổng lồ. Tôi nhìn xa hơn người khác vì tôi trèo
lên vai người khổng lồ". Theo Newton, người khổng lồ đích thực là các kiến
thức nhân loại đã tìm ra, ông làm công việc kế thừa và phát triển tiếp. Như
vậy, trước khi thực sự suy nghĩ giải bài toán cụ thể đúng cần giải, thu được
từ giai đoạn B, người giải bài toán phải tìm thông tin trên phạm vi toàn cầu
để kế thừa những gì nhân loại đã đạt được để tránh "sáng chế lại cái bánh
xe" hoặc "phát hiện lại Châu Mỹ". Một mặt, công việc tìm thông tin hiện
nay thuận lợi hơn trước nhờ sự giao lưu dễ dàng giữa các nước và Internet.