Nói một cách nôm na, đây là giai đoạn vật chất hóa ý tưởng dưới dạng các
bản vẽ, tính toán, chế tạo thử, chạy thử… Kết quả của giai đoạn này là người
giải có thành phẩm dưới dạng có thể sử dụng chính thức trên thực tế hoặc
đưa ra kinh doanh trên thị trường (thương mại hóa) được.
Đối với các doanh nghiệp, thành phẩm chính là hàng hóa hoặc dịch vụ.
Giai đoạn G: Áp dụng vào hệ thực tế
Từ "áp dụng" cần hiểu theo nghĩa rộng. Ví dụ, sau khi tìm ra vắcxin
phòng một loại bệnh nào đó, người ta mời những người liên quan đến tiêm
chủng. "Áp dụng" cũng có thể là đưa thành phẩm ra bán trên thị trường.
Cụm từ "hệ thực tế' cần hiểu theo nghĩa tương đối, so sánh. Đấy là tất cả mọi
người, mọi nơi tiềm ẩn cần sử dụng thành phẩm cụ thể cho trước, thu được ở
giai đoạn E, chứ không phải hệ thực tế chung chung.
Sau khi giải thích và phân tích từng giai đoạn của toàn bộ quá trình
thực hiện giải bài toán, người viết cần lưu ý bạn đọc mấy ý dưới đây:
1. Từng giai đoạn lại có thể chia thành các giai đoạn nhỏ hơn. Nói chung,
mỗi giai đoạn đều tạo ra cái mới nào đó. Để đi hết từ giai đoạn đầu đến giai
đoạn cuối một cách hoàn hảo, kết quả của mỗi giai đoạn (cái mới tạo ra của
giai đoạn đó) phải được hệ liên quan của giai đoạn sau tiếp nhận đầy đủ, ổn
định và bền vững (đổi mới từng giai đoạn).
2. Hiếm khi một người giải đi hết cả sáu giai đoạn của quá trình thực hiện
giải bài toán. Với những bài toán khó, đây là cuộc chạy tiếp sức của nhiều
người, thậm chí nhiều thế hệ, ví dụ giải bài toán chế tạo ô tô, xe lửa, máy
bay, ti vi, máy tính…
3. Việc phân chia theo các giai đoạn không có nghĩa giai đoạn nào dứt
giai đoạn đó mà thường có sự quay trở lại vì các lý do khác nhau.