Ủa, em đang chép lại lời giải của thầy…
Thầy nào mà… tôi suýt lỡ lời – đưa cuốn vở chép toán đây anh coi!
Tôi chăm chú coi hết cuốn vở, vô cùng kinh hoàng cho môn toán của ông thầy này.
Thầy nào đang dạy toán em vậy?
Thầy B., ngày trước học với anh, ra vô nhà mình hoài anh không nhớ à?
Tôi bật ngửa. Làm sao quên nổi đứa học trò “khủng khiếp” đó! Quả báo chắc? Tôi đã ghi điểm
khống, đã tổng kết tầm bậy cho B. thì bây giờ cậu ta dạy tầm bậy lại cho em tôi, đâu có gì lạ? Tôi đâm
triết lý, cứ vẩn vơ so sánh cái “đạo giáo” mà tôi đang hành với các thứ tôn giáo hiện có trên đời. Thì
ra “đạo” của tôi khắc nghiệt hơn cả. Làm điều xằng bậy, đạo Phật còn chờ đến kiếp sau, đạo Thiên
chúa còn chờ đến ngày phán xét. Riêng cái “anh” giáo dục là làm liền, đem ngay cái xằng bậy do anh
gieo ra giáng thẳng vào em út, con cái, cháu chắt mình ở kiếp này.
Như anh chàng bị sái quai hàm, đau nhói mà la không được…”
1.3. Sáng tạo của con người: Nhìn từ nhiều góc độ
Như bất kỳ đối tượng phức tạp nào, sáng tạo của con người cũng có nhiều
phương diện, khía cạnh khi được xem xét từ những góc độ khác nhau. Từ
góc độ xây dựng PPLSTVĐM, các nhà nghiên cứu rất quan tâm xem quá
trình sáng tạo của con người diễn ra như thế nào và tìm cách cải tiến. Nhìn
từ những góc độ khác như động cơ và mục đích của cá nhân người sáng tạo;
kinh tế, xã hội, luật pháp của một quốc gia; hợp tác và cạnh tranh quốc tế,
sáng tạo trở thành đối tượng nghiên cứu và tác động của nhiều lĩnh vực khác
nhau.
Bạn đọc, trong tư cách con người sáng tạo của xã hội hiện đại, cần để ý
đến những khía cạnh đa dạng của sáng tạo. Trong mục này, người viết trình
bày tóm tắt vài ý về chúng, tạo sự quan tâm bước đầu, từ đó, bạn đọc nào
quan tâm sâu, rộng hơn sẽ tự tìm hiểu thêm, thông qua các tài liệu và
phương tiện khác.