Trên báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ra tuần từ 15 đến 21.5.1998, trong bài
"Cái gốc của mọi sự nghiệp", Thái Duy kể lại câu chuyện có thật sau:
“… Năm 1950, Trường cao đẳng giao thông công chính đóng tại Khu IV (Thanh Hóa) tổ chức thi
tốt nghiệp khóa đầu tiên. Lãnh đạo Bộ giao thông công chính có công văn từ Việt Bắc gửi hiệu trưởng
yêu cầu cho ba học viên là đảng viên đỗ tốt nghiệp, dù không đủ điểm. Hiệu trưởng là kỹ sư Đặng
Phúc Thông, một trí thức có tiếng, tốt nghiệp ở Pháp. Hồ Chủ tịch đã mời ông ra giúp nước, giữ chức
thứ trưởng Bộ giao thông công chính. Ông đã tham gia phái đoàn của Hồ Chủ tịch sang Pháp giữa
năm 1946. Ở Việt Bắc ông đau ốm luôn, không chịu nổi khí hậu vùng rừng núi. Chính phủ đã chuyển
ông về Khu IV, đại diện Bộ ở Khu IV kiêm hiệu trưởng. Ông kiên quyết không làm theo chỉ thị của
Bộ. Kỹ sư ra trường không đủ điểm, chuyên môn thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cầu đường. Lãnh
đạo Bộ phê phán hiệu trưởng gay gắt, cho là phi chính trị, chuyên môn đơn thuần và còn có ý định cử
một hiệu trưởng khác dễ bảo hơn về thay. Cũng may việc này đến tai Hồ Chủ tịch. Trước hết, Người
khen ngợi hiệu trưởng đã có lập trường kiên định, vững vàng, không chấp hành chỉ thị của Bộ và đã
tránh được một sai lầm không thể tha thứ đối với một hiệu trưởng. Hồ Chủ tịch đã nghiêm khắc phê
bình lãnh đạo Bộ và đòi hỏi không được tái phạm sai lầm nghiêm trọng này nữa. Phải thực học và
thực tài…”
Còn thầy giáo N.S.T kể lại câu chuyện xảy ra đối với chính mình (xem
bài "Gieo gì, gặt nấy", Tuổi Trẻ Chủ Nhật ra ngày 4.8.1996):
“… Hồi đó tôi dạy ở Trường cấp III vừa học vừa làm Đức Linh, Thuận Hải. Vì nhà tôi ở sát cổng
trường nên học trò cứ ra vô luôn. Trong số đó có cậu B., dốt toàn diện, riêng môn toán thì phải nói là
dốt kiệt xuất. Lẽ ra B. không được dự thi tốt nghiệp 12 năm đó vì kết quả học tập trong năm quá tệ,
nhưng chúng tôi ai cũng nghĩ học trò ở trường này đã quá cực khổ, nay mà không cho dự thi tốt
nghiệp thì “chết không nhắm được mắt”. Thế là chúng tôi thi nhau “nhắm mắt” cho điểm “lụi” rồi
tổng kết “lụi” để B. đủ điều kiện dự thi.
Chẳng biết nhờ phép mầu nào mà B. đỗ luôn tốt nghiệp 12 năm đó. Phép mầu tiếp tục triển khai,
đưa B. “bay” vào trường cao đẳng sư phạm tỉnh rồi “bay” ra, “phóng” thẳng về trường phổ thông cơ
sở xã tôi, dạy toán trúng luôn cái lớp 9 mà đứa em gái của tôi đang học.
Lẽ ra tôi cũng không biết hành trình trên của B. vì ngay sau năm B. tốt nghiệp 12, tôi đã chuyển
sang dạy ở Đồng Nai. Nhưng một hôm tôi về thăm nhà, gặp đứa em đang làm toán và ghé mắt nhìn.
Em làm sai hết rồi, làm lại đi.