Tổng hợp là quá trình ngược lại so với phân tích: Kết hợp các thành phần
bị phân tích thành tổng (chỉnh) thể trọn vẹn.
Phân tích và tổng hợp luôn quan hệ chặt chẽ với nhau, đặc biệt, trong việc
đi tìm và xác định mối quan hệ nhân quả (quan hệ giữa nguyên nhân và kết
quả). Các quá trình phân tích và tổng hợp có thể tạo tiền đề cho nhau và
dùng nhiều lần đối với đối tượng cho trước.
Các phương pháp trình bày ở trên không phải theo thứ tự phương pháp
nào dùng trước, phương pháp nào dùng sau. Việc lựa chọn sử dụng
phương pháp nào hoặc tổ hợp các phương pháp nào phụ thuộc vào loại
bài toán, mục đích cần đạt nêu ra trong lời phát biểu bài toán và cách
tiếp cận giải bài toán của người giải. Các phương pháp này không đứng
độc lập mà giữa chúng có các mối liên kết (ảnh hưởng, phụ thuộc, bổ
sung cho nhau), có những phần giao nhau, thậm chí ngược nhau. Các
phương pháp trình bày trong mục nhỏ này không chỉ dùng riêng cho
giai đoạn xử lý thông tin mà bạn còn có thể dùng bất cứ lúc nào bạn
thấy cần thiết cho suy nghĩ của bạn.
Sau này, trong suốt bộ sách “Sáng tạo và đổi mới”, người viết sẽ còn
nhiều lần quay trở lại các công việc liên quan đến quá trình xử lý thông tin.
Ngoài ra, người viết lưu ý bạn đọc: Sử dụng các phương pháp xử lý thông
tin, bạn có thể thu thêm được những thông tin mới, sâu sắc hơn những thông
tin ban đầu; những thông tin gợi ý phát ý tưởng giải bài toán. Tuy vậy, trong
nhiều trường hợp, các thông tin thu thêm được mới chỉ là những giả thiết
chứ chưa phải là những kết luận đúng, nếu bạn sử dụng các phương pháp nói
trên không tuân theo các quy tắc của lôgích học hình thức. Người viết sẽ đề
cập đến lôgích học hình thức trong quyển ba “Tư duy lôgích, biện chứng và
hệ thống”. Nói chính xác hơn nữa, dù bạn biến đổi thông tin theo phương
pháp nào, giá trị của thông tin, cuối cùng, được đánh giá bằng kết quả: Bạn
có giải bài toán xong hay không.