Kết quả mang tính thống kê cho thấy: Số lượng người giải được cả hai bài
toán ở nhóm thứ hai nhiều hơn nhóm thứ nhất.
Các nhà nghiên cứu giải thích kết quả thu được dựa trên các ý sau:
1. Bài toán A là bài toán dễ, đến nỗi, các em mẫu giáo đều giải được.
Cách làm là: Đầu tiên xếp một lớp các khối lập phương kín mặt bàn, sau đó
xếp lớp thứ hai, thứ ba... cao dần lên, cho đến khi hết các khối lập phương
để ở sàn nhà thì thôi. Nói cách khác, ai cũng có thể giải được bài toán A, nó
hầu như không phải là bài toán.
2. Bài toán B khó hơn, không phải ai cũng giải được. Đây là bài toán
thuộc loại bài toán xếp diêm, được mọi người quen xếp trên mặt phẳng, mặc
dù từ “hình” trong lời phát biểu bài toán có hai nghĩa: Hình phẳng và hình
không gian. Do vậy, những ai tự hạn chế mình bằng nghĩa “hình phẳng” sẽ
không giải được bài toán B. Những người nào vượt qua được hạn chế này, đi
đến ý nghĩ “hình không gian” sẽ nhớ ngay đến hình tứ diện với sáu cạnh và
bốn mặt là bốn tam giác. Đây mới chính là lời giải bài toán B.
3. Hai bài toán A và B không độc lập với nhau. Trong bài toán A có thông
tin đem lại giá trị giúp giải bài toán B. Đó là: Khi xếp các khối lập phương
chồng lên nhau, người giải đang xây dựng hình không gian. Ai bắt được
“gợi ý” này và chuyển ý tưởng đó sang bài toán B, người đó sẽ giải bài toán
B một cách dễ dàng. Vấn đề nằm ở chỗ, trong những điều kiện nào người
giải mới bắt được “gợi ý” này.
4. Việc các nhà nghiên cứu cố ý chọn bài toán A là bài toán dễ, ai cũng
giải được, không phải là ngẫu nhiên. Nói rõ hơn, ai cũng có thể xếp các lớp
khối hình lập phương chồng lên nhau, có nghĩa, ai cũng tiếp thu thông tin
hình không gian. Điều này cũng tương tự với thực tế: Ai cũng có lần ngâm
mình trong nước, thấy nước đẩy người mình lên; ai cũng nhìn thấy vật gì đó
rơi; ai cũng nhìn thấy mạng nhện; ai cũng có những lần nằm mơ...
5. Trong các nhu cầu của cá nhân, có nhu cầu nhận thức: Nhu cầu trả lời
các câu hỏi nảy sinh trong đầu cá nhân (xem mục 5.2. Các nhu cầu của cá
nhân). Điều này có nghĩa, khi cá nhân có bài toán, cá nhân có nhu cầu tìm ra