nhóm thứ hai bắt được gợi ý đó trong bài toán A, áp dụng và giải được bài
toán B. Kết quả, nhóm thứ hai có 80% số người giải được cả hai bài toán,
cao hơn nhóm thứ nhất 10%.
Hình 52: Mô hình giải thích thí nghiệm
Quay trở lại các câu chuyện về Archimedes, Newton... chúng ta có thể
thấy sự hiện diện của cả bốn yếu tố thuộc mô hình nói trên:
1. Đường suy nghĩ 1 : Tất cả các nhà phát minh, sáng chế lúc đó đều
đang suy nghĩ về bài toán của mình chứ không phải ở trạng thái đầu óc vô
tư. Cụ thể, Archimedes đang suy nghĩ giải bài toán vua giao (xem mục 3.1.
Từ Heuristics đến Creatology: Vài nét lịch sử ở quyển một). Newton đang
tìm cách khái quát hóa các kết quả nghiên cứu riêng lẻ của nhiều người
trước đó. Kỹ sư thiết kế cầu cho ngành đường sắt Brandt đang suy nghĩ trả
lời câu hỏi: Ở nơi khe sâu với vách dựng đứng, không xây được trụ ở giữa
để đỡ cầu, vậy cây cầu có thể giữ bằng gì? Tương tự như vậy đối với những
người khác.
2. Vật cản tâm lý–nhận thức thể hiện ở chỗ, mặc dù họ vẫn đang suy nghĩ
nhưng không tiến thêm được bước nào về phía ý tưởng lời giải.