Synectics. Những phương pháp này sẽ được trình bày chi tiết trong
quyển sáu “Các phương pháp sáng tạo” của bộ sách “Sáng tạo và đổi
mới”.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn xây dựng các phương pháp giúp tăng
cường trí nhớ nhờ tăng số lượng các mối liên kết chủ định; chẩn đoán một
số loại bệnh tâm thần; tìm tội phạm trong những người bị tình nghi; phát
hiện nói dối... dựa trên việc tính liên tưởng ảnh hưởng mạnh đến xúc cảm,
kiểu “có tật thì giật mình”, “của đau con xót”... Bạn đọc có thể xem lại
mục 5.4. Xúc cảm ở quyển sách này.
6.4.7. Tìm thông tin ý tưởng
Như chúng ta đã biết, trong sáu giai đoạn thực hiện quá trình giải bài toán,
có hẳn một giai đoạn tìm thông tin và ở bất kỳ lúc nào của quá trình suy
nghĩ, người giải có thể phải tìm thêm thông tin từ môi trường bên ngoài. Về
các điều vừa nói, bạn có thể xem lại các mục 1.2. Một số khái niệm cơ bản
và các ý nghĩa của chúng ở quyển một và 6.2. Mô hình quá trình suy nghĩ
giải quyết vấn đề và ra quyết định ở quyển hai này.
Có thể phân loại thông tin theo các cách xem xét khác nhau. Ở đây, người
viết muốn so sánh hai loại: Thông tin sự kiện và thông tin ý tưởng. Thông
tin sự kiện là thông tin về các tính chất, đặc trưng, thông số... của đối tượng
nào đó. Ví dụ, bạn đọc sách giới thiệu một địa phương, bạn biết diện tích,
dân số, lịch sử, văn hóa, tình hình sản xuất, các địa điểm du lịch... của địa
phương đó. Những thông tin như vậy là thông tin sự kiện.
Thông tin ý tưởng được hiểu là thông tin về phương pháp thực hiện một
công việc nào đó (phương pháp giúp đạt được mục đích nào đó). Đang suy
nghĩ giải bài toán, nếu bạn tìm được thông tin ý tưởng thích hợp, bạn có thể
dùng ngay thông tin đó hoặc dùng biến thể của nó để có được ý tưởng giúp
giải thành công bài toán của bạn – ý tưởng lời giải. Vấn đề là ở đâu và làm
thế nào tìm được những thông tin ý tưởng ấy một cách có hiệu quả cao.
Hiện nay, chúng ta sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Có người ví
thông tin nhiều như nước chứa trong đại dương và đại dương ấy cứ vài năm