lại tăng thể tích lên gấp đôi. Người ta đã có rất nhiều cố gắng tạo ra các hệ
thống và phương tiện, giúp người cần thông tin có thể tìm kiếm một cách
nhanh chóng, dễ dàng thông tin (kể cả sự kiện lẫn ý tưởng) về các đối tượng
đã được phân loại. Các đối tượng thường được phân loại theo các lĩnh vực
(xem mục nhỏ 3.3.4. Giáo dục và đào tạo của tương lai: Vài nét phác thảo ở
quyển một). Phân loại như vậy rất ích lợi đối với người đang học, tự học
hoặc đang giải bài toán có mức khó thấp, nảy sinh trong lĩnh vực đó.
Tuy nhiên, đối với những bài toán có mức khó cao nảy sinh trong lĩnh vực
cho trước thì thông tin ý tưởng giúp giải bài toán, nhiều khi, không nằm ở
lĩnh vực cho trước mà ở các lĩnh vực khác, thậm chí rất xa lĩnh vực cho
trước (xem mục nhỏ 4.2.6. Các mức sáng tạo – các mức khó của bài toán ở
quyển một). Có người ví khó khăn trong việc tìm thông tin ý tưởng, giúp
giải bài toán có mức khó cao, với khó khăn đi tìm con cá vàng bơi trong đại
dương bao la. Lúc này, người giải rất cần chủ động lập các mối liên kết hai
chiều mang tính định hướng giữa bài toán có mức khó cao mà mình đang
giải và những lĩnh vực có nhiều thông tin ý tưởng triển vọng, giúp giải bài
toán. Nói cách khác, người giải rất cần liên tưởng có mục đích rõ ràng chứ
không phải liên tưởng tự do và thực hiện chuyển giao các ý tưởng có được
từ những đường 2 sang đường 1 (xem mục nhỏ 6.4.6. Liên tưởng).
G.S. Altshuller, tác giả TRIZ, đưa ra hai lời khuyên nhằm thiết lập các
mối liên kết hai chiều mang tính định hướng nói trên:
1. Ngoài lĩnh vực nơi bài toán nảy sinh, người giải cần tìm thêm thông
tin ở cả những lĩnh vực tương tự với bài toán đó.
Lời khuyên này xuất phát từ luận điểm triết học “Thế giới là một chỉnh
thể thống nhất”. Trong nội dung nhiều nghĩa của luận điểm đó có một
nghĩa: Ở những lĩnh vực tương tự nhau, có những quy luật tương tự
nhau. Suy rộng ra, ở những lĩnh vực tương tự nhau, có những cách làm
tương tự nhau, có những ý tưởng có thể dùng chung. Do vậy, người giải
bài toán có thể chuyển giao ý tưởng từ lĩnh vực này sang lĩnh vực
tương tự với nó.