giúp phát triển trí tưởng tượng của người học. Trong ý nghĩa này,
PPLSTVĐM có rất nhiều ích lợi để phát triển trí tưởng tượng.
Trí tưởng tượng có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Phân
loại theo công việc, được trình bày ở phần đầu mục này, là một cách.
Người viết giới thiệu thêm một cách phân loại khác. Trong lĩnh vực
giải quyết vấn đề, người ta quy ước chia trí tưởng tượng thành ba loại:
1. Trí tưởng tượng lôgích là tưởng tượng dựa trên sự lập luận mang tính
chặt chẽ nhất định.
Ví dụ, nguyên tử là đối tượng không thể tiếp thu được một cách trực tiếp
thông qua các giác quan. Rutherford dùng các hạt alpha điện tích dương bắn
phá tấm kim loại vàng mỏng như tờ giấy. Kết quả thí nghiệm cho thấy, phần
lớn các hạt alpha đi xuyên qua tấm vàng giữ nguyên quỹ đạo. Một số khác
có quỹ đạo bị lệch đi với những góc khác nhau và một số ít, thậm chí, bị
phản xạ ngược trở lại. Trên cơ sở những thông tin thu được, bằng suy luận
và tưởng tượng lôgích, Rutherford đã xây dựng mô hình nguyên tử có cấu
trúc tương tự như hệ mặt trời.
2. Trí tưởng tượng phê phán là tưởng tượng thiên về phía phê phán, hiểu
theo nghĩa, đi tìm các nhược điểm, khuyết tật, chỗ yếu... có thể nảy sinh
trong tương lai.
Trí tưởng tượng phê phán thường được dùng để dự báo các vấn đề có thể
nảy sinh. Điều này đem lại nhiều ích lợi. Thứ nhất, nếu đấy là vấn đề không
đáng nảy sinh, người ta kịp đi tìm và đưa ra các biện pháp để ngăn không
cho vấn đề đó nảy sinh. Thứ hai, nếu đấy là vấn đề chắc chắn hoặc có thể sẽ
nảy sinh, người ta có được thời gian cần thiết nhờ dự báo trước, để chuẩn bị
sẵn lời giải hoặc các biện pháp dự phòng. Chúng được dùng ngay khi vấn đề
nảy sinh, tránh tình trạng nước đến chân mới tìm cách nhảy. Tóm lại, trí
tưởng tượng phê phán giúp chúng ta tránh trả những giá đắt không đáng phải
trả trong tương lai, giúp sự phát triển trở nên bền vững.