Tương tự như trường hợp b), ở đây, chỉ sau khi không thỏa mãn nhu cầu,
cá nhân mới có thể phát hiện ra mình đang có vấn đề.
e. Cá nhân ý thức được phạm vi áp dụng của những hành động thúc đẩy
bởi trí nhớ; ý thức được rằng đã có sự thay đổi. Cá nhân vẫn hành động như
khi chưa có sự thay đổi và thỏa mãn nhu cầu.
Tương tự như trường hợp a) và c), ở đây, sự thay đổi chưa vượt ra ngoài
phạm vi áp dụng của những hành động thúc đẩy bởi trí nhớ.
f. Cá nhân ý thức được phạm vi áp dụng của những hành động thúc đẩy
bởi trí nhớ; ý thức được rằng đã có sự thay đổi. Cá nhân vẫn hành động như
khi chưa có sự thay đổi và không thỏa mãn nhu cầu.
Tương tự như trường hợp b) và d), ở đây, chỉ sau khi không thỏa mãn nhu
cầu, cá nhân mới có thể phát hiện ra mình đang có vấn đề.
g. Cá nhân ý thức được phạm vi áp dụng của những hành động thúc đẩy
bởi trí nhớ; ý thức được rằng đã có sự thay đổi, đồng thời; ý thức được rằng,
nếu tiếp tục hành động theo những cách trí nhớ thúc đẩy, sẽ vượt ra ngoài
phạm vi áp dụng của chúng, do vậy, sẽ không còn đúng nữa. Nói cách khác,
cá nhân chưa trả giá nhưng đã phát hiện ra mình đang có vấn đề.
Các trường hợp b), d) và g) buộc cá nhân phải suy nghĩ giải quyết vấn đề.
Phần lớn mọi người, hiện nay, thường dùng phương pháp thử và sai để suy
nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định (xem Chương 2: Sáng tạo một cách
tự nhiên ở quyển một). Trong trường hợp này, trí nhớ ảnh hưởng rất mạnh
lên toàn bộ quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định (xem mục
6.2. Mô hình quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định, đặc biệt
Hình 44). Nói cách khác, trí nhớ ảnh hưởng lên toàn bộ sáu giai đoạn của
quá trình thực hiện giải bài toán. Ngay cả khi tìm ra được lời giải đúng, trí
nhớ cũng chi phối quá trình ra quyết định của cá nhân:
Nếu lời giải đúng quá mới đối với những gì lưu giữ trong trí nhớ, cá
nhân có thể quyết định bỏ, không tiếp nhận lời giải đó, đi tìm lời giải
khác ít mới hơn.