trường này về các ý tưởng của mình, mà không sợ bị phê phán, chỉ
trích. Ví dụ, ở Mỹ hàng tuần trên TV phát cuộn băng quảng cáo và lời
kêu gọi của Nghiệp đoàn nghiên cứu patent Mỹ: “Bất kỳ ý tưởng nào
của bạn mà bạn cảm thấy tuyệt vời, hoặc ngược lại cảm thấy điên rồ.
Nếu như ý tưởng đó có thể giúp giải quyết vấn đề nào đó hay giúp cho
việc đưa ra sản phẩm mới thì bạn cần đưa ý tưởng đó ra giới thiệu,
xem xét”. Tiếp theo, trên màn hình xuất hiện số điện thoại mà bất kỳ
người nào, ở đâu đều có thể gọi đến không mất tiền để trao đổi và nhận
những thông tin mà mình quan tâm.
6.5.6. Chủ động sống chung và khắc phục tính ì tâm lý
Tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều có tính ì tâm lý và không thể khắc
phục nó hoàn toàn được. Tính ì tâm lý là một thuộc tính (tính chất vốn có)
của tâm lý và có nguồn gốc vật chất là bộ não (chất xám). Theo thuyết tương
đối của Einstein, vận tốc lớn nhất có thể có là vận tốc của ánh sáng truyền
trong chân không. Vận tốc này là hữu hạn và bằng khoảng 300.000 km/giây.
Điều này có nghĩa, các chất tạo nên bộ não nói riêng, toàn bộ bộ não nói
chung chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác trong khoảng thời gian
ti luôn luôn lớn hơn không (ti là ký hiệu thời gian chuyển trạng thái, ta luôn
có ti > 0). Khái quát hóa lên nữa, thời gian chuyển trạng thái của vật chất nói
chung không bao giờ bằng không cả. Điều này cũng có nghĩa, thời gian
chuyển trạng thái và thay đổi khuynh hướng của các hiện tượng tâm lý như
là các phẩm chất mang tính hệ thống của bộ não cũng luôn lớn hơn không.
Trong khoảng thời gian này, các trạng thái và khuynh hướng cũ của các hiện
tượng tâm lý không biến mất ngay lập tức mà vẫn còn phát huy tác dụng của
chúng, tạo nên tính ì tâm lý. Trong ý nghĩa như vậy, chúng ta không thể loại
bỏ tính ì tâm lý của mình và của những người khác một cách hoàn toàn
được. Nói cách khác, chúng ta phải sống chung với tính ì tâm lý. Tuy nhiên,
sự sống chung này phải mang tính chủ động một cách có ý thức, theo các
hướng sau:
1. Tự làm giảm tác hại tính ì tâm lý của chính mình bằng cách luyện tập
sử dụng các lời khuyên trình bày trong các mục nhỏ từ 6.5.3 đến 6.5.5.