các nhu cầu cá nhân, vừa được hưởng những khuyến khích của xã hội. Nói
cách khác, ở đây, có sự cộng hưởng giữa từng cá nhân và toàn xã hội.
Thực tế cho thấy khuynh hướng thú vị sau: Lúc đầu có nhiều người sáng
tạo, vì có các khuyến khích từ phía cộng đồng, xã hội. Sau nhiều lần sáng
tạo, đạt được những niềm vui “Eureka!” lớn nhất (xem mục 3.1. Từ
Heuristics đến Creatology: Vài nét lịch sử của quyển một), những người đó
tiếp tục sáng tạo, chủ yếu, không còn vì các khuyến khích từ bên ngoài nữa.
Lúc này, nhu cầu, động cơ sáng tạo chuyển hóa vào bên trong, trở thành thôi
thúc bên trong cá nhân, cao hơn nữa, trở thành thói quen tự nguyện sáng tạo.
Tóm lại, các nhu cầu tồn tại và phát triển khách quan của xã hội chỉ thực
sự “làm việc” khi chúng chuyển hóa thành các nhu cầu cá nhân của các
công dân thuộc xã hội đó. Bởi vì, nhu cầu cá nhân là nguồn gốc của hành
động cá nhân và cá nhân sẽ không thực hiện hành động cho trước, nếu như
không có nhu cầu tương ứng với hành động ấy. Trên cơ sở quy luật vừa nêu,
các biện pháp lãnh đạo, quản lý xã hội phải bảo đảm, ít nhất, hai điều kiện:
1. Tạo được mối liên kết hữu cơ, trực tiếp giữa các nhu cầu của xã hội và
các nhu cầu của cá nhân, đến mức, từng cá nhân cảm nhận rõ điều đó thông
qua những cái rất cụ thể thuộc về giáo dục, luật pháp, phương tiện thông tin
đại chúng, hệ thống các khuyến khích (kích thích)... Lúc đó, các công dân có
được sự tin tưởng: Làm thỏa mãn các nhu cầu của xã hội cũng chính là làm
thỏa mãn các nhu cầu cá nhân.
2. Làm cho cá nhân thỏa mãn nhu cầu được quan tâm, tôn trọng, hiểu theo
nghĩa, cá nhân thấy các hành động thỏa mãn nhu cầu xã hội của mình được
hiểu, đánh giá đúng, các ý kiến phản hồi được chú ý tiếp nhận... Từ những
xúc cảm dương này, cá nhân sẽ hành động nhiều hơn về phía làm thỏa mãn
các nhu cầu xã hội, tạo nên quan hệ phản hồi dương có lợi.
Các biện pháp lãnh đạo, quản lý xã hội nói trên phải là các biện pháp
mang tính khoa học, dân chủ, minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao của
toàn xã hội theo hướng phát triển xã hội và nhân cách của từng cá nhân.