Nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin liên quan đến những gì vừa nêu,
dưới đây người viết sử dụng vài bài báo (xem các bài của Thủy Tùng đăng
trên báo Tuổi Trẻ 23/8/2005, Hữu Nghị – Tuổi Trẻ Chủ Nhật 28/8 và
4/9/2005) về Singapore, đất nước gần chúng ta về mặt địa lý, cách đây chưa
lâu, còn là nước đang phát triển, đã làm được việc “Từ thế giới thứ ba nhảy
vào thế giới thứ nhất” (Tên quyển hồi ký của cựu Thủ tướng Singapore Lý
Quang Diệu):
“Ngày 21 tháng 8 năm 2005, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đọc diễn văn trong hai giờ rưỡi nhân
quốc khánh lần thứ 40. Ông cho biết, những người bạn nước ngoài của ông có ấn tượng Singapore là
“một đất nước được tạo nên bởi các công dân” chứ không phải “một đất nước có các công dân”.
Ông khẳng định: “Đó là nhờ chúng ta đã nỗ lực để có chính phủ tốt và người dân mạnh mẽ”.
Ông Lý Hiển Long đã trích lời một bé gái lớp 5 tên Patty Lim: “Ước nguyện ngày sinh nhật của
em cho Singapore là làm sao có được nguồn cung cấp nước bền vững. Em cũng ước mong cho
Singapore được an bình”. Ước nguyện đó nhất định không phải là “văn mẫu” hay sáo rỗng. Nếu cứ
phải đọc trên báo những tin tức vất vả điều đình thương thuyết chuyện mua nước uống với nước láng
giềng, hoặc tin tàu bè bị cướp ngoài eo biển..., thì có thể tin ước nguyện của đứa trẻ học lớp 5 là có
thật!
Chính từ một lớp trẻ “biết lo” như thế mà ông Lý Hiển Long đã có thể quả quyết: “Giới trẻ hiểu
Singapore cần gì để tồn tại”. Không phải giới trẻ nước nào cũng hiểu được đất nước mình cần gì để
sống còn. Không phải chính phủ nào cũng có thể lạc quan tin tưởng vào lớp trẻ của mình được như
thế. Khi giới trẻ được nhắc nhở: “Tương lai, chính là tương lai của chúng ta, do chúng ta dựng nên”
thì họ sẽ hướng đến tương lai là chính. Tiếp xúc với thanh niên Singapore ít thấy họ tự mãn với cái
quá khứ “hóa rồng” của họ, mà chỉ thấy họ bận tâm đến tương lai, làm gì để sống còn, cả bản thân
lẫn xã hội.
Ông Lý Hiển Long đã khẳng định: “Để làm lại nền kinh tế, người Singapore chúng ta phải...”. Hô
hào thì dễ, làm mới khó. Liệu ông Long đã tự chuẩn bị cho việc “làm lại nền kinh tế” chưa?
Có thể điểm lại ngân sách 2005 hiện hành của Singapore: Giảm thuế thu nhập cá nhân bậc cao
nhất xuống còn 21% vào năm tài chính 2006, rồi 20% vào năm tài chính 2007. Không giảm thuế thì
khó mà biến hứa hẹn “làm lại nền kinh tế” thành sự thật.