Hình 43: Mô hình tư duy trong ngữ cảnh của mô hình nhu cầu–hành
động
Trường hợp lý tưởng, người giải bài toán chỉ cần đi một lượt của quá trình
suy nghĩ là có ý tưởng lời giải đúng.
Mô hình của quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định, trình
bày trên Hình 43, cần được hiểu trong ngữ cảnh của mô hình nhu cầu–hành
động (xem Hình 39). Điều này có nghĩa, khi người viết trình bày tư duy
hoặc bạn đọc xem xét tư duy, chúng ta phải luôn nhớ rằng giữa tư duy và
các yếu tố độc lập khác như nhu cầu, xúc cảm, mong muốn tự nguyện có các
mối liên kết. Do vậy, để có ý tưởng đúng, cao hơn nữa, để đổi mới hoàn
toàn, chúng ta cần phải tính đến toàn bộ hoạt động của mô hình nhu cầu–
hành động, chứ không chỉ riêng một mình tư duy. Tuy vậy, để dễ trình bày,
người viết tách riêng phần tư duy ra thành Hình 44.
Như chúng ta đã biết, các ý tưởng ban đầu thường là sai, do vậy, người
giải thường phải trở lại các giai đoạn trước hoặc phải lặp đi, lặp lại toàn bộ
quá trình suy nghĩ nhiều lần. Chưa kể, ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình
suy nghĩ, người giải có thể nảy ra ý nghĩ phải tìm thêm thông tin từ môi
trường bên ngoài, xem Hình 43 và Hình 44. Ở đây, môi trường bên ngoài
được hiểu là tất cả những gì nằm ngoài lời phát biểu bài toán và ngoài bộ óc
của người giải. Môi trường bên ngoài có thể là Internet, thư viện, các đồng
nghiệp, phong cảnh, vật dụng, thời tiết...
Sau nhiều lần suy nghĩ và hành động thử và sai (vì thực tiễn là tiêu chuẩn
của chân lý, phải hành động thực hiện ý tưởng để biết đúng, sai), cuối cùng,
người giải phát được ý tưởng dẫn đến lời giải đúng, xem Hình 44. Bạn đọc
có thể so sánh Hình 44 với Hình 3: Phương pháp thử và sai trong mục 2.2.
Phương pháp thử và sai (Trial and Error Method) của quyển một để thấy
rằng, Hình 44 là hình mô tả phương pháp thử và sai chi tiết, cụ thể hơn.