thu nhận cũng bằng tốc độ sóng điện từ. Rõ ràng, tất cả những điều này giúp
làm tăng tính thông suốt của toàn bộ quá trình truyền thông tin. Nhờ vậy,
không phải ngẫu nhiên, ngày nay người ta gởi fax, thư điện tử thay thế cho
cách gởi thư truyền thống. Các đơn đặt hàng, chào hàng, tài liệu liên quan,
giấy chuyển ngân... hay gọi chung là các thông tin giao dịch thương mại
chuyển động với tốc độ “rùa bò” trước đây nay trở thành thương mại điện
tử với tốc độ truyền thông tin bằng tốc độ ánh sáng...
Tuy vậy, đi vào cụ thể, các nhà khoa học, công nghệ, thiết kế đã, đang và
sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chính các đại lượng liệt kê ở
trên vì chúng có thể mâu thuẫn nhau, ảnh hưởng xấu đến tính thông suốt của
toàn bộ chuỗi truyền thông tin. Ví dụ, bạn chọn được loại mã thích hợp với
kênh truyền nhưng tốc độ mã hóa lại chậm (bạn thử nhớ lại thời kỳ nạp dữ
liệu vào máy tính bằng cách đục lỗ các bìa); hoặc bạn có loại mã thích hợp,
đồng thời tốc độ mã hóa cao dẫn đến việc lượng thông tin truyền trong kênh
lớn hơn khả năng thông qua của kênh truyền, gây “nghẽn mạch”, mà kênh
truyền khác có khả năng thông qua phù hợp lại chưa được chế tạo hoặc giá
quá cao dẫn đến tăng chi phí không chấp nhận được...
6.3.4. Các ích lợi và hạn chế của lý thuyết thông tin đối với tư duy sáng
tạo
Từ khi ra đời, nhiều ý tưởng của lý thuyết thông tin được sử dụng trong
điều khiển học, trong các hệ thống điều khiển phức tạp, ở đó không có thông
tin thì không có các lời giải cho các bài toán điều khiển. Các ý tưởng của lý
thuyết thông tin còn được sử dụng trong ngôn ngữ học, sinh học, tâm lý học,
xã hội học, sinh lý học thần kinh, di truyền học và thu được nhiều kết quả
thú vị. Ví dụ, chúng giúp phát biểu quy luật về tỷ lệ của cảm giác với lôgarit
của kích thích trong sinh lý học thần kinh. Hoặc, các dây thần kinh truyền
tín hiệu từ các đầu tiếp nhận cảm giác đến não bộ hoạt động theo nguyên tắc
kênh truyền lý tưởng được mô tả trong lý thuyết thông tin của C.E. Shannon.
Quay trở lại mô hình tư duy trên Hình 43 và Hình 44, chúng ta thấy trong
tư duy có quá trình truyền và biến đổi thông tin đầu vào (có trong lời phát
biểu bài toán) cùng với thông tin từ môi trường bên ngoài thành thông tin