việc tìm hiểu bản chất của tính ì hệ thống, ở đây còn có những lời khuyên
giúp khắc phục tính ì hệ thống có hại và khai thác tính ì hệ thống có lợi.
Vai trò của các hệ thống tương lai và các phương pháp dự báo sẽ được
trình bày trong mục 10.4.
Cuối cùng, mục 10.5 đưa ra một số ý tưởng về các tiêu chuẩn cần phải
chú ý hoặc/và tuân theo khi ra quyết định nhìn dưới quan điểm hệ thống.
Mục này còn tóm tắt mang tính hệ thống những gì được trình bày ở Chương
10 trong mối quan hệ đối với giải quyết vấn đề và ra quyết định, đồng thời,
cho một số ví dụ để bạn đọc phân tích.
10.2. Một số khái niệm cơ bản và những
điều cần lưu ý về tư duy hệ thống
10.2.1. Một số khái niệm cơ bản và ý tưởng chung về hệ thống
1) Khái niệm “hệ thống” là một trong các khái niệm cơ bản của khoa học
hệ thống. Trong bộ sách “Sáng tạo và đổi mới”, khái niệm “hệ thống” được
định nghĩa như sau:
Hệ thống là tập hợp các yếu tố liên kết với nhau và toàn bộ tập hợp đó có
(những) tính chất không thể quy về thành (những) tính chất của từng yếu tố,
từng mối liên kết đứng riêng rẽ.
(Những) tính chất nói trên được gọi là tính toàn thể hoặc tính hệ thống của
hệ thống cụ thể cho trước. Hệ thống được biểu diễn một cách tượng trưng
trên Hình 123.
2) Các yếu tố (Elements) (xem Hình 123) được hiểu là các phần (bộ phận)
của hệ thống, không chia nhỏ thêm nữa trong cách xem xét cho trước của
người giải bài toán. Có nhiều cách chia nhỏ hệ thống cho trước thành các
yếu tố. Người ta thường dùng tiêu chuẩn tính chất/chức năng để làm điều đó,
hiểu theo nghĩa, sau khi chia nhỏ, mỗi yếu tố sẽ có một (vài) tính chất/chức
năng nhất định. Khi dùng thuật ngữ “yếu tố” đối với bộ phận nào của hệ