trung tâm của khoa học hệ thống, theo V.N. Xađovski, có gần 40 định nghĩa
và chúng đều được sử dụng rất rộng rãi trong các công trình nghiên cứu
được công bố.
Tư duy hệ thống (Systems Thinking) trong lĩnh vực sáng tạo và đổi
mới được hiểu là tư duy vận dụng các luận điểm của khoa học hệ thống
nói chung vào các giai đoạn của quá trình thực hiện giải quyết vấn đề
và ra quyết định, để góp phần làm tăng hiệu quả tư duy sáng tạo và
năng lực đổi mới của người sử dụng.
Không chỉ sử dụng các kết quả nghiên cứu của khoa học hệ thống, tư duy
hệ thống, một mặt, cụ thể hóa các nguyên lý lý thuyết như nguyên lý về sự
thống nhất vật chất của thế giới, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, nguyên
lý về tính cụ thể và tương tác cũng như các nguyên lý phương pháp luận của
phép biện chứng. Mặt khác, tư duy hệ thống trình bày trong bộ sách “Sáng
tạo và đổi mới”, trước hết, trong chương này còn chứa cả các luận điểm của
TRIZ, như là những kết quả khái quát hóa các ý tưởng thường dùng trong
các hệ thống thuộc lĩnh vực sáng tạo và đổi mới.
Nói một cách tóm tắt, tư duy hệ thống, một cách đáng kể, giúp xây dựng
loại tư duy nhìn xa, trông rộng, xem xét toàn diện để đối phó với các thách
thức (xem mục nhỏ 3.3.2. Các khuynh hướng, thách thức và hệ quả của
quyển một) và là một bộ phận của kiến thức mạng lưới (xem mục nhỏ 3.3.4.
Giáo dục và đào tạo của tương lai: Vài nét phác thảo của quyển một), mà
mỗi người cần được trang bị.
Trong mục 10.2 tiếp theo, người viết sẽ trình bày một số khái niệm cơ bản
cùng một số luận điểm, ý tưởng chung của khoa học hệ thống; các ý nghĩa,
giá trị của chúng và các lời khuyên về việc sử dụng chúng trong lĩnh vực
sáng tạo và đổi mới.
Mục 10.3 dành nói về một thuộc tính của hệ thống. Đấy là tính ì hệ thống
mà tính ì tâm lý chỉ là trường hợp riêng của tính ì hệ thống. Tính ì hệ thống
cần được tính đến trong mỗi giai đoạn thực hiện sáng tạo và đổi mới. Ngoài