theo cách hiểu thông thường mà là lĩnh vực nghiên cứu (A Field of Study).
Để tránh hiểu lầm, nó còn được gọi là các nghiên cứu chung về hệ thống
(General Systems Research) hoặc các nghiên cứu hệ thống (Systems
Research).
Các thuật ngữ và ý tưởng về “hệ thống chung” và “lý thuyết chung về hệ
thống” lần đầu tiên được L. von Bertalanffy đưa ra trong các bài giảng của
mình tại Đại học tổng hợp Chicago năm 1937 (8 năm sau khi A.A.
Bogdanov công bố phần ba của Tektology). L. von Bertalanffy bắt đầu đăng
các công trình của mình từ năm 1947. Trong lý thuyết chung về hệ thống, L.
von Bertalanffy khái quát hóa các nghiên cứu cụ thể thành các nguyên lý
toàn thể, tổ chức, đẳng đích (hệ thống đạt được cùng một trạng thái cuối
cùng trong những điều kiện ban đầu khác nhau) và đẳng cấu (các hệ thống
có cùng một cấu trúc – Isomorphism).
Phép biện chứng duy vật quan niệm tính hệ thống là tính chất chung
nhất, vốn có, không thể tách rời (thuộc tính) của vật chất, tương tự như
các tính chất khác (vận động, không gian, thời gian, phản ánh...) của
vật chất. Nói cách khác, tính hệ thống là phương thức tồn tại và phát
triển của vật chất. Cao hơn nữa, một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong
các tác phẩm của K. Marx tính hệ thống còn được nâng lên thành
nguyên lý phương pháp luận triết học về tính hệ thống, hay gọi tắt là
nguyên lý về tính hệ thống.
Khác với chủ nghĩa cơ giới, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, hình
thức vận động vật chất cao hơn dựa trên và chứa những hình thức vận động
vật chất thấp hơn, nhưng không thể quy nó về thành những hình thức vận
động vật chất thấp hơn. Thêm nữa, hình thức vận động vật chất cao hơn có
những đặc thù mang tính vật chất, tác động một cách quyết định lên các hình
thức vận động vật chất thấp hơn chứa trong nó. Do vậy, xét về số lượng,
toàn thể là tổng các bộ phận. Còn xét về chất, toàn thể lớn hơn tổng các bộ
phận.