Ví dụ, giá vàng lên cao (thay đổi về lượng) trong khi bạn có nhiều vàng,
có thể giúp bạn cơ hội mua được thiết bị mới chưa có (giúp bạn có được
thay đổi về chất) vì giá thiết bị tăng lên chậm hơn giá vàng.
Trước đây bạn không có tủ lạnh, nay có tủ lạnh (thay đổi về chất). Điều
này giúp bạn thay vì mỗi ngày phải đi chợ một lần, nay một tuần (bảy ngày)
mới đi chợ một lần (thay đổi về lượng) và một lần đi chợ bây giờ phải mang
nặng hơn trước đây (thay đổi về lượng).
Ra đời công nghệ hoạt động theo nguyên lý mới (thay đổi về chất) có
năng suất cao hơn công nghệ cũ nhiều lần (thay đổi về lượng) đặt ra vấn đề
đối với bạn: Nguy cơ giảm sút khả năng cạnh tranh (thay đổi về lượng), huy
động tiền ở đâu để mua (thay đổi về lượng), tái đào tạo nguồn nhân lực thế
nào để có thể sử dụng công nghệ mới một cách có hiệu quả (thay đổi về
chất)...
Xuất hiện điện thoại di động đời mới mà bạn chưa đủ tiền mua. Mọi
người hỏi thăm: “Sành điệu số một như anh (chị) mà tới giờ này vẫn còn xài
loại hết mốt à?”. Bạn có vấn đề không?
2) Khi bạn chủ động đề ra mục đích mới cần đạt, mục đích đó cũng bao
gồm những thay đổi về lượng hoặc/và về chất. Bạn cần xem xét, phân tích
chúng trong mối liên hệ với những lượng–chất có sẵn của bạn và của môi
trường nơi bạn sống, làm việc để xem lượng–chất đề ra trong mục đích có
hiện thực không, hay chỉ là ảo tưởng. Chúng cũng có thể là các vấn đề đối
với bạn.
3) Khi thực hiện giải quyết vấn đề, bạn vẫn phải làm việc với các thay đổi
lượng–chất. Không tính đến quy luật về lượng–chất, bạn có thể một lần nữa
bỏ qua các cơ hội giải quyết vấn đề hoặc/và làm nảy sinh các vấn đề, kể cả
các vấn đề không đáng nảy sinh.
Bây giờ chúng ta cùng nhau chuyển sang xem xét việc ứng dụng quy luật
thứ ba, quy luật về đối lập (xem mục nhỏ 9.2.2. Các quy luật cơ bản của
phép biện chứng) vào lĩnh vực sáng tạo và đổi mới.