mong giữ chân được các “thượng đế” nổi tiếng khó tính này. Bà Mieko
Kakiuchi, đại diện của Communication Manners, cảnh báo về hội chứng
“không chịu chờ đợi” (quá ba giây là đã có thể gây bực) – tâm lý chung của
đại đa số du khách Nhật. Bà cũng lưu ý thêm việc đòi hỏi được một dịch vụ
phục vụ thật nhanh chóng ở tốc độ cao, các nhân viên phục vụ phải thông
minh, thành thật, tươi cười, thông tin về chuyến đi phải luôn chính xác, chắc
chắn.
“Không tô hồng những gì không có giá trị thật, phải thực hiện đúng
những gì đã tiếp thị” thì sẽ không có gì khó khăn khi tiếp cận thị trường du
lịch của Nhật – ông Valentino Cabansag, trưởng phân ban du lịch của Trung
tâm xúc tiến ASEAN về thương mại, đầu tư và du lịch tại Nhật (APC),
khẳng định chắc chắn.” (Trích bài “Du khách Nhật không thể chờ đợi quá
ba giây” của Trần Vũ Nghi, đăng trên báo “Tuổi Trẻ”, ra ngày 11/9/1999”.
Một ý nữa nhằm thuyết phục bạn: “Không có việc gì là nhỏ, không nên
coi thường việc nhỏ, bất kỳ việc gì cũng phải coi đó là hệ thống để cải tiến”.
Đấy là, chính những sáng tạo nhỏ (mức thấp) lại mang đến ích lợi lớn và
nhanh cho tác giả của những sáng tạo đó (xem mục nhỏ 4.2.6. Các mức sáng
tạo – các mức khó của bài toán của quyển một). Chưa kể, làm tốt việc nhỏ,
thành công nhỏ có thể tạo tiền đề dẫn đến thành công lớn. Dưới đây là đoạn
trích từ bài báo: “Coi chừng thất bại chỉ vì một người” của Bích Phượng
sưu tầm từ tạp chí “Reader’s Digest” 5/1993, đăng trên “Thanh Niên
Nguyệt San”, số 28, ra tháng 7/1993:
¤ Trường hợp hai nhà khoa học giải Nobel vật lý năm 1978 cũng là một
thí dụ về chi tiết nhỏ đưa đến sự nghiệp lớn. Đó là hai ông Arno Penjias và
Robert Wilson. Hai ông chuyên nghiên cứu về các tín hiệu ngoài không
gian. Hồi những năm 1960, anten của hai ông cứ nhận được những tín hiệu
nhiễu loạn rất nhỏ nhưng lạ lạ. Người ta có thể bỏ qua. Nhưng hai ông chú ý
theo dõi nhiễu loạn này. Thế rồi hai ông tìm cách giải quyết các nhiễu loạn
này, thì lại dẫn đến khám phá ra sóng tĩnh điện trong vũ trụ do vụ nổ lớn
(Big Bang) đầu tiên gây ra. Hai ông phát huy khám phá này và được các nhà
bác học công nhận. Rồi thì giải Nobel.