là tương lai học (Futurology). Ở Liên Xô, nó được gọi là dự báo học
(Прогностика). Đấy là khoa học nghiên cứu các nguyên tắc chung xây
dựng các phương pháp làm dự báo về sự phát triển của các đối tượng
có bản chất bất kỳ và nghiên cứu các quy luật của quá trình đưa ra các
dự báo.
Có một loạt khái niệm về tương lai hoặc liên quan đến tương lai như “giả
thiết”, “thấy trước”, “dự đoán”, “dự báo”, “kế hoạch”, “chương trình”...
Chúng ta cùng tìm hiểu nội dung của những khái niệm này và sự liên quan
giữa chúng.
“Giả thiết” ở đây không phải là sự giả sử bất kỳ, mà được hiểu là kết luận
mang tính giả thiết về khuynh hướng phát triển chung trong tương lai dựa
trên lý thuyết đã có. “Giả thiết” đóng vai trò tiền đề cho quá trình rút ra các
dự báo. “Giả thiết”, nhiều khi, cũng dựa trên các đánh giá chủ quan của các
nhà khoa học và các chuyên gia. Lúc đó, xác suất của sự xuất hiện sự kiện
và khuynh hướng nêu ra được đánh giá một cách chủ quan, là điều cần phải
tính đến để làm dự báo.
Khả năng “thấy trước” là kết quả của sự tiến hóa tự nhiên, thể hiện ở khả
năng của bộ não phản ánh đi trước hiện thực hiện tại. “Thấy trước” mang
tính khoa học dựa trên các kiến thức về các quy luật phát triển của tự nhiên,
xã hội và tư duy, mà kết quả của nó là thu nhận được những thông tin về các
sự kiện tương lai. “Thấy trước” là hình thức hoạt động mang tính xây dựng
của bộ não hướng đến tạo nên bức tranh về hiện tượng chưa quan sát được
bằng thực nghiệm. “Thấy trước” có thể là kiến thức mang tính xác suất, có
được nhờ suy luận hoặc linh tính.
Trong những ý nghĩa vừa nêu, các khái niệm “thấy trước”, “dự đoán”, “dự
báo” là các khái niệm gần nhau. Do vậy, từ nay trở đi, người viết chủ yếu sử
dụng khái niệm “dự báo”.
Có khá nhiều định nghĩa của khái niệm “dự báo” trong dự báo học. Dưới
đây là định nghĩa có tính chi tiết và chặt chẽ khá cao, mà chủ quan người
viết cho rằng, thích hợp với bộ sách “Sáng tạo và đổi mới”.