Dự báo (Прогноз – tiếng Nga, Forecast – tiếng Anh) là lời phát biểu dưới
dạng ngôn ngữ (hiểu theo nghĩa rộng) ghi nhận sự kiện chưa quan sát được
và thỏa mãn các điều kiện sau:
- Vào thời điểm đưa ra, không thể xác định đơn giá (tương ứng một –
một) về tính đúng/sai của lời phát biểu,
- Chỉ ra khoảng không gian và thời gian giới hạn, ở đó sự kiện được dự
báo sẽ xảy ra,
- Vào thời điểm đưa ra, cần có cách kiểm tra phương pháp dự báo; đánh
giá tiên nghiệm xác suất xuất hiện và hoàn thành sự kiện được dự báo; kiểm
tra quá trình xuất hiện và hoàn thành sự kiện được dự báo.
Sự kiện chưa quan sát được có thể đã biết (đã từng xảy ra) nhưng trong
hoàn cảnh cho trước chưa thấy xuất hiện mà sẽ xuất hiện trong tương lai. Ví
dụ, trong dự báo thời tiết ngày mai, ở Nam bộ có mưa trên diện rộng: Sự
kiện mưa là sự kiện đã biết vì mưa đã từng xảy ra nhiều lần.
Sự kiện chưa quan sát được có thể chưa biết ở cấp độ cá nhân, tập thể, xã
hội, nhân loại. Ví dụ, có rất nhiều đối tượng, hiện tượng trước thời điểm
được phát hiện hoặc tạo ra là những sự kiện toàn nhân loại chưa biết như các
nguyên tố hóa học, cấu trúc nguyên tử, hạt nhân, phóng xạ, các sáng chế...
Yêu cầu kiểm tra phương pháp dự báo là yêu cầu của thực tiễn. Các dự
báo duy ý chí hoặc chỉ dựa trên linh tính không thể coi là cơ sở để lập các kế
hoạch, chương trình phát triển hoặc dùng để điều khiển sự phát triển một
cách khoa học. Cơ sở để quyết định có sử dụng dự báo cho trước vào thực
tiễn hay không, dựa trên phương pháp đưa ra chính dự báo đó. Phương pháp
dự báo cần thỏa mãn, ít nhất, một trong ba đòi hỏi sau:
- Tính đúng đắn của phương pháp đó đã từng được kiểm tra trên các đối
tượng khác và cho phép thu được dự báo cần thiết.
- Trong quá khứ, phương pháp đó đã áp dụng cho các đối tượng cùng bản
chất và cùng mức độ phức tạp một cách hiệu quả, đáng tin cậy.
- Phương pháp đó có sự lập luận chặt chẽ, không mâu thuẫn về lôgích, có
kết quả phù hợp với các quy luật cơ bản của tự nhiên.