sản xuất lâu dài, đầy kinh nghiệm. Sự “quá tin tưởng” đó “lây lan” từ ban
giám đốc tới các bộ phận chức năng, đã cho phép một van trong dây chuyền
sản xuất bị cặn bám vì không được chùi rửa kỹ trong hai tuần liền, gây
nhiễm khuẩn cho sản phẩm.
Sự “quá tin tưởng” như ông Ishikawa diễn đạt ở đây phải chăng là đồng
nghĩa với sự không nghiêm túc trong việc thực hiện các điều bắt buộc phải
làm trong quy trình sản xuất. Sự “quá tin tưởng” ở đây cũng có thể hiểu như
việc xem thường uy tín của nhãn hiệu, sự thiếu tôn trọng đối với khách hàng
của công ty. Danh dự, uy tín của công ty đã bị tổn thương trong phút chốc do
kiểu “quá tin tưởng” một cách vô trách nhiệm như thế. Điều đáng lưu ý là
khách hàng không bao giờ “quá tin tưởng” vào chất lượng của một sản phẩm
không còn được bảo đảm bằng uy tín của công ty.” (Bài “Sự kiện và suy
ngẫm” của N.H., đăng trên báo “Sài Gòn Giải Phóng”, ra ngày 12/7/2000).
¤ “Bỏ ra 1, lợi 100. Đây không phải là mức lợi trong đầu tư buôn bán,
cũng không phải là mức lãi suất cho vay, bởi tất cả những hoạt động đó đều
không thể cho tỉ lệ lãi cao đến như vậy. Con số so sánh trên là phát hiện mới
nhất về lợi ích mang lại từ việc chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên.
Trong báo cáo đăng trên tạp chí Khoa học (Mỹ) mới đây, các nhà nghiên
cứu đã chỉ ra rằng, nếu như để thực hiện các dự án mở rộng và bảo vệ các
khu rừng nhiệt đới, các vùng đước ngập mặn ở cửa sông, các vùng biển san
hô... thế giới cần khoảng 45 tỉ USD. Nếu các dự án đó được thực hiện, thiên
nhiên sẽ đem lại cho con người những sản phẩm và dịch vụ trị giá tới 4.400
tỉ USD, tức là gấp gần 100 lần mức đầu tư bỏ ra. Một lợi nhuận mà không
một ngành kinh tế nào có thể so sánh được.
Thế nhưng, phát hiện đó vẫn chưa phải là điều gây bất ngờ nhất. Theo các
nhà khoa học, thậm chí không cần tốn một đồng vốn đầu tư nào, chỉ cần để
cho thiên nhiên tồn tại như nó đã từng tồn tại từ bao đời nay mà không để
cho bàn tay con người quấy phá, nó cũng đã có thể đem lại lợi ích gấp bội.
Chẳng hạn, các khu rừng nhiệt đới ở Malaysia nếu không bị khai thác sẽ
đem lại thu nhập cao hơn 14% so với việc chặt cây lấy gỗ đem bán. Nếu các
khu rừng đước ngập mặn ở Canada chỉ cho phép săn bắn và đánh cá mà