Các khái niệm, ý tưởng nói trên, một mặt, giúp diễn đạt, trình bày quá trình
suy nghĩ rõ ràng, rành mạch hơn. Mặt khác, chúng giúp tìm hiểu và xây
dựng mô hình thông tin của quá trình suy nghĩ.
Tuy nhiên, quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định không
chỉ đơn thuần là quá trình truyền, biến đổi thông tin theo cách hiểu thông
thường, mà cao hơn, nhờ sự tham gia của các hiện tượng tâm lý, quá trình
này làm thay đổi thông tin về chất: Đầu ra của quá trình suy nghĩ giải quyết
vấn đề và ra quyết định là quyết định (lời giải cuối cùng của bài toán) mà
trước quá trình đó chưa có. Nhờ vậy, người giải đạt được mục đích đề ra
(tính ích lợi). Nói cách khác, quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết
định là quá trình biến đổi thông tin thành tri thức, tri thức đã biết thành tri
thức mới với sự tham gia tích cực của các hiện tượng tâm lý. Trong ý nghĩa
này, các khái niệm, ý tưởng về truyền và biến đổi thông tin được trình bày
lồng ghép, kết hợp với các hiện tượng tâm lý (xem Chương 6: Tư duy sáng
tạo: Nhìn theo góc độ thông tin – tâm lý của quyển hai).
- Điều khiển học là khoa học nghiên cứu các thuộc tính, nguyên tắc chung
của các quá trình và hệ thống điều khiển trong các thiết bị kỹ thuật, các cơ
thể sống, các tổ chức của con người...
Điều khiển học là khoa học cơ sở của PPLSTVĐM vì các lý do sau:
a) Mục đích lâu dài của PPLSTVĐM là điều khiển tư duy sáng tạo (quá
trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định). Để làm điều đó,
PPLSTVĐM phải sử dụng các kiến thức về điều khiển.
b) PPLSTVĐM còn có mục đích đóng góp vào việc điều khiển thế giới
bên trong của mỗi cá nhân (mỗi cá nhân biết làm chủ bản thân mình về các
nhu cầu, xúc cảm, thói quen, động cơ hành động). Đây là yếu tố quan trọng
trong xây dựng, phát triển nhân cách nói chung, nhân cách sáng tạo nói
riêng (xem các mục 7.4 và 7.5 của quyển hai).
c) Không ít các bài toán cần giải trong cuộc sống, công việc có mục đích
cần đạt là điều khiển hệ thống nào đó.