d) Tăng tính điều khiển là quy luật phát triển, trước hết, của các cơ thể
sống, các hệ thống nhân tạo. Quy luật này sẽ được trình bày chi tiết trong
quyển bảy “Các quy luật phát triển hệ thống” của bộ sách “Sáng tạo và đổi
mới”.
Các ý tưởng cơ bản chung của điều khiển học được trình bày trong mục
7.2 của quyển hai. Trong đó, người viết nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò và giá trị
của quan hệ phản hồi các loại đối với các mục đích điều khiển. Đồng thời,
người viết cũng nêu chương trình tóm tắt những việc cần làm để thực hiện
việc điều khiển.
- Lôgích học hình thức là khoa học nghiên cứu các hình thức của tư duy
như các khái niệm, phán đoán, suy luận, mà không xét đến nội dung cụ thể
của chúng và các quy luật, nguyên tắc, quy tắc biến đổi mà chúng phải tuân
theo để có những kết luận đúng (kết luận phù hợp với thực tiễn khách quan).
Lôgích học hình thức được dạy khá rộng rãi trong các trường học ở nước
ta. Đối với những người chưa được học lôgích học hình thức một cách chính
thức, ở mức độ nào đó, họ đã học lôgích học hình thức một cách gián tiếp
thông qua việc học sử dụng ngôn ngữ (nói, viết), học các môn khoa học
chính xác như toán, vật lý, hóa học, học thông qua giao tiếp, thảo luận, tranh
luận, đọc báo chí...
Nhìn dưới góc độ tâm lý học, tư duy của cá nhân mang tính chủ quan cao.
Do vậy, sử dụng lôgích hình thức, người suy nghĩ sẽ chủ động biến đổi các ý
nghĩ của mình dưới dạng các khái niệm, phán đoán theo cách suy luận thích
hợp, để có được các kết luận tin cậy. Đây là điều rất cần thiết, đặc biệt, trong
các giai đoạn tiếp thu, xử lý thông tin của quá trình suy nghĩ giải quyết vấn
đề và ra quyết định. Lôgích hình thức được trình bày trong Chương 8: Tư
duy lôgích của quyển sách này.
Ngoài ra, cũng trong Chương 8, người viết còn nêu những ý, kèm theo
các ví dụ nhấn mạnh rằng, người sử dụng lôgích hình thức trong tư duy cần
chú ý phạm vi áp dụng của lôgích hình thức và tránh sử dụng lôgích hình
thức một cách máy móc, cứng nhắc khi phải giải các bài toán thực tế, ở đó
đòi hỏi có những lời giải không cực đoan.