luận đúng từ tiền đề đúng, nếu cách lập luận tuân theo các quy luật, quy tắc
lôgích. Còn kết luận của suy luận quy nạp mới đúng với một xác suất nhất
định.
Trong tinh thần vừa nêu, cần chú ý sự khác nhau về phạm vi áp dụng giữa
cách lập luận diễn dịch và cách lập luận quy nạp. Đặc biệt, trong quy nạp
cần tránh những kết luận khái quát cực đoan kiểu: “tất cả”, “toàn bộ”,
“luôn luôn”, “đã chứng minh được rằng”... mà tiền đề chỉ là vài trường hợp
cụ thể có tính chất được quan tâm.
5) Kết luận và khai thác kết luận:
Như chúng ta đã biết ở trên, kết luận chính là quyết định của người suy
nghĩ về luận đề (bài toán nhỏ) và phải được bảo đảm thuyết phục cao nhờ
tiền đề (lý do, chứng cứ) đúng cùng cách lập luận lôgích nhất quán. Sau khi
có kết luận, người suy nghĩ còn có thể khai thác kết luận theo hai hướng:
Tìm thêm các hệ quả đương nhiên của kết luận và xây dựng các lời khuyên
(khuyến cáo).
Các hệ quả đương nhiên, một mặt, có thể giúp kiểm tra tính đúng đắn của
kết luận. Mặt khác, nó có thể mở ra khả năng mới như phát hiện luận đề (bài
toán nhỏ) mới, cách tiếp cận mới đối với luận đề cho trước...
Các lời khuyên mang tính thực tế rất quan trọng trong việc thực hiện giải
bài toán (quá trình đổi mới), nếu như chúng được rút ra từ kết luận đúng và
được những người liên quan tiếp nhận.
Chúng ta cùng phân tích thông tin sau: “Ở những nước phát triển, gia
đình thường có ít con và tuổi thọ của người dân càng ngày, càng cao. Do
vậy, tuổi trung bình của dân số càng ngày, càng già hơn trước. Sự thay đổi
cấu trúc dân số làm cho kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước phải thay đổi
theo và thế hệ trẻ phải làm việc tích cực hơn để “nuôi” những người về hưu.
Đã đến lúc cần tăng tuổi về hưu lên 70 và tạo điều kiện để những người về
hưu nào còn khả năng và muốn làm việc vẫn được tiếp tục làm việc”.