Thông tin nói trên là thông tin (luận ý) lôgích vì thông tin đó không chỉ có
kết luận: “Ở các nước phát triển, tuổi trung bình của dân số càng ngày,
càng già hơn trước”, mà còn nêu lý do (tiền đề) dẫn đến kết luận đó: “Gia
đình thường có ít con”, “Tuổi thọ của người dân càng ngày, càng cao”.
Chưa kể, ở đây còn có lý do ngầm mà bạn đọc có thể đoán được như: “Phụ
nữ cũng đi làm và tham gia các hoạt động xã hội như nam giới”, “Chăm
sóc sức khỏe càng ngày, càng tốt”, “Muốn sống thoải mái”. Tuy nhiên, nếu
có thêm các số liệu cụ thể (các bằng chứng) về các lý do nói trên thì còn tốt
hơn nữa. Cách lập luận trong trường hợp này là diễn dịch: Kết luận rút ra
dựa trên quy luật về mối liên quan giữa sinh suất và tử suất của dân số nên
tính bảo đảm tin cậy của kết luận cao. Từ kết luận, người cung cấp thông tin
còn đưa ra các hệ quả đương nhiên dễ thấy: “Kế hoạch thu, chi ngân sách
nhà nước phải thay đổi”, “Thế hệ trẻ phải làm việc tích cực hơn để “nuôi”
những người về hưu”. Ngoài ra, người cung cấp thông tin còn cho các lời
khuyên, đề nghị: “Tăng tuổi về hưu lên 70”, “Tạo điều kiện để những người
về hưu nào còn khả năng và muốn làm việc vẫn được tiếp tục làm việc”.
6) Dạng đầy đủ của một thông tin lôgích:
Tổng hợp các điểm trình bày ở mục nhỏ này, chúng ta thấy, trong trường
hợp đầy đủ các yếu tố tạo thành, một luận ý (thông tin) lôgích có thể được
biểu diễn thành hình vẽ cho dễ nhớ và dễ sử dụng (xem Hình 98).