Với hy vọng sẽ khuyến khích được AFOSI, tôi gửi Jim bản sao sổ nhật ký
cùng với những trích đoạn bản in hoạt động của gã hacker.
Sau cuộc nói chuyện này, Jim Christy giải thích về Milnet. Thứ mà tôi gọi là
Milnet thì Jim gọi là Mạng Dữ liệu Quốc phòng không bí mật, do Cục
Thông tin Liên lạc Bộ Quốc phòng vận hành. “Bộ Quốc phòng sử dụng
Milnet cho mọi quân chủng – Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy
quân Lục chiến. Như vậy, mỗi quân chủng đều có quyền truy cập như nhau
đối với mạng lưới này, và mạng này liên kết máy tính của tất cả các quân
chủng.”
“Vậy tại sao Steve Rudd lại thuộc Không quân?”
“Thực ra anh ta là người thuộc đa quân chủng, làm việc cho cả ba nhánh. Dĩ
nhiên, khi đánh hơi được vấn đề thì anh ta sẽ gọi cho các thanh tra của
Không quân.”
“Còn anh chuyên trách về tội phạm máy tính à?”
“Có thể nói như vậy. Chúng tôi đang quản lý 10.000 máy tính của Không
quân.”
“Vậy sao anh không thể giải quyết trường hợp này luôn?”
Jim từ tốn giải thích: “Chúng tôi phải phân định lãnh thổ rõ ràng, nếu không,
chúng tôi sẽ dẫm lên chân nhau mất. Cliff, anh không phải lo bị OSI bắt giữ
đâu – thẩm quyền hoạt động của chúng tôi là căn cứ Không quân.”
Thẩm quyền luôn thuộc về một người nào đó khác.
Tuy phàn nàn về các loại thẩm quyền, song tôi cũng nhận ra rằng chúng bảo
vệ quyền lợi của chính tôi: Hiến pháp của chúng ta đã ngăn chặn việc quân
đội can thiệp vào các vấn đề dân sự. Jim đặt vấn đề này ở một góc độ mới –
đôi khi những quyền này lại gây cản trở cho việc thực thi pháp luật. Lần đầu