Thật không thể rõ ràng hơn: Thông điệp chào mừng của chiếc máy tính kia
chính là địa chỉ của nó. Nhưng Pháo đài Buckner ở đâu?
Tôi chỉ có thể thấy được là bộ lịch của máy tính đó bị sai. Nó báo hôm nay
là Chủ nhật, nhưng hôm nay mới là thứ Bảy thôi. Martha tiếp quản bộ theo
dõi, còn tôi chạy đến thư viện để mang về cuốn atlas quen thuộc.
Giở đến những trang cuối, tôi thấy tên Pháo đài Buckner.
“Martha, em sẽ không tin đâu, nhưng gã hacker vừa xâm nhập vào một máy
tính ở Nhật Bản. Pháo đài Buckner đây này,” tôi nói và chỉ vào một hòn đảo
ở Thái Bình Dương. “Nó ở Okinawa.”
Kết nối gì mà loằng ngoằng thế này! Từ Hannover ở Đức, gã hacker liên kết
đến Đại học Bremen, vòng qua đường cáp xuyên Đại Tây Dương đến
Tymnet, sau đó là đến máy tính của tôi ở Berkeley, và đi vào Milnet, cuối
cùng lại thò ra tận Okinawa. Kỳ lạ quá.
Nếu có người nào ở Okinawa phát hiện được hắn, hẳn là họ sẽ phải tháo gỡ
cái mê cung mệt mỏi này.
Nhưng liên kết toàn cầu này chưa thỏa mãn hắn – hắn muốn cơ sở dữ liệu
của Pháo đài Buckner. Trong nửa giờ, hắn sục sạo khắp hệ thống của họ
nhưng thấy nó trống trơn. Rải rác có một vài bức thư, và một danh sách gồm
75 người dùng. Pháo đài Buckner hắn phải là một nơi rất đáng tin cậy, vì
rằng không có ai đặt mật khẩu cho tài khoản của mình cả!
Hắn không tìm được gì nhiều trên hệ thống này, ngoại trừ một số e-mail
nhắc đến chuyện khi nào thì nguồn cung ứng từ Hawaii sẽ đến. Một nhà sưu
tầm các từ viết tắt quân sự chắc sẽ rất thích máy tính này của Pháo đài
Bucker, nhưng những người bình thường sẽ thấy nó chán ngắt.
“Nếu mê mẩn đám biệt ngữ quân sự đến vậy,” Martha hỏi, “thì sao hắn
không nhập ngũ nhỉ?”