này làm hại; cho đến khi tôi giận dữ khi thấy rằng hắn đang trực tiếp đe dọa
tất cả chúng ta.
Tôi viết lại những câu hỏi đó rồi sắp lên một bản giấy bóng đèn chiếu mới.
1. Gã vô lại này xâm nhập vào các máy tính như thế nào?
2. Hắn đã lẻn vào những hệ thống nào?
3. Tên khốn trở thành siêu người dùng bằng cách nào?
4. Kẻ đáng khinh bỉ này lấy mật khẩu để tiếp cận máy tính Cray ở
Livermore bằng cách nào?
5. Thằng đê tiện này có thực hiện biện pháp gì để tránh bị phát hiện không?
6. Có thể kiểm tra đồ sâu mọt đang giữ vai trò quản lí hệ thống hay không?
7. Làm thế nào để lần dấu kẻ kẻ hút máu này đến tận hang ổ của hắn?
Đó, những câu hỏi đó, tôi có thể trả lời.
Các chuyên gia của NSA nói bằng thứ biệt ngữ lạnh lùng, trong khi tôi lại
đang giận dữ đến sôi sục. Giận dữ vì tôi phải lãng phí thời gian bám theo
một kẻ phá hoại thay vì làm nghiên cứu về vật lí thiên văn. Giận dữ vì gã
gián điệp này đang tha hồ vơ vét những thông tin nhạy cảm mà vẫn ung
dung ngoài vòng pháp luật. Giận dữ vì chính phủ của mình chẳng thèm đoái
hoài.
Có thể làm gì để khơi gợi cảm xúc cho một đám kĩ trị đây, khi bạn chỉ là
một nhà thiên văn học tóc tai lòa xòa và không có lấy một cái cà vạt tử tế?
Hay không có quyền miễn trừ an ninh
? (Chắc phải có quy định nào đó
kiểu như, “Không mặc comple, không đi giày, thì không được cấp quyền
miễn trừ an ninh.”) Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng có lẽ NSA quan tâm đến
vấn đề kĩ thuật hơn là đến những hệ quả về mặt đạo đức.