Tôi nhanh chóng nhận thức được những gì đang diễn ra. Câu lạc bộ Máy
tính Hỗn loạn đã xâm nhập vào các máy tính của phòng thí nghiệm vật lý
CERN ở Thụy Sỹ và gây náo loạn ở đây – người ta nói rằng chúng đã đánh
cắp mật khẩu, phá hoại các phần mềm, và đánh sập các hệ thống thí nghiệm.
Tất cả chỉ để cho vui.
Từ phòng thí nghiệm ở Thụy Sỹ, nhóm này đánh cắp mật khẩu để vươn tới
hệ thống máy tính ở các phòng thí nghiệm vật lý của Mỹ – Fermilab ở
Illinois, Caltech, và Stanford. Từ đó, chỉ cần thêm một bước nhảy ngắn là
với tới mạng lưới và các máy tính của NASA.
Mỗi lần xâm nhập, chúng khai thác lỗi sai để trở thành quản lý hệ thống. Sau
đó, chúng chỉnh sửa hệ điều hành để có thể đi vào đó bằng một mật khẩu
đặc biệt mà chỉ chúng biết rõ. Như vậy, chỉ cần sử dụng mật khẩu thần kì đó
trên máy Vax đã bị xâm nhập, chúng sẽ vào được hệ thống, kể cả khi lỗ
hổng ban đầu đã được khắc phục!
Chà! Vấn đề nghiêm trọng đây. Hàng trăm máy tính đang gặp rủi ro. Chúng
có thể bẻ gãy phần mềm trên từng hệ thống. Nhưng phải làm gì đây? NASA
không phụ trách mọi máy tính kết nối vào mạng của họ. Phân nửa trong số
đó là máy tính của các trường đại học đang thực hiện những thí nghiệm khoa
học. NASA có lẽ thậm chí còn không có danh sách của tất cả các máy tính
đang kết nối vào mạng của họ.
Giống như Milnet, mạng lưới của NASA là một xa lộ kết nối các máy tính
trên khắp cả nước. Hiển nhiên, trộm cũng có thể sử dụng xa lộ này, và khó
có thể quy lỗi đó cho những người đã xây dựng nên nó. Trách nhiệm duy
nhất của NASA là giữ cho xa lộ được nguyên vẹn. Vấn đề an ninh của các
máy tính được đặt vào tay của những người vận hành chúng.
Câu lạc bộ Máy tính Hỗn loạn đã khiến cho các chuyên gia máy tính phải
đau đầu nhiều phen – chúng gây rắc rối cho hàng trăm quản lý hệ thống và
hàng nghìn nhà khoa học. Nếu sở hữu một máy Vax, để khắc phục sự cố này,