chúng. Nhưng chúng không biết về hắn.
Các thành viên của Câu lạc bộ Hỗn loạn biện hộ cho hành động của mình
bằng những nguyên tắc đạo đức kì cục. Chúng tuyên bố rằng việc sục sạo
vào cơ sở dữ liệu của người khác là hoàn toàn chấp nhận được, miễn là
chúng không phá hoại bất cứ thông tin nào. Nói cách khác, chúng tin rằng sự
hiếu kì của giới kĩ thuật phải được ưu tiên hơn sự riêng tư của cá nhân.
Chúng cho rằng mình có quyền được lục lọi bất cứ máy tính nào chúng xâm
nhập được.
Thông tin trong cơ sở dữ liệu ư? Chúng chỉ quan tâm tới việc tìm ra cách lấy
được thông tin, chứ không hề có chút dằn vặt nào trong lương tâm cả. Giả
dụ đó là danh sách các bệnh nhân AIDS thì sao? Hay là bản kê thuế thu nhập
năm ngoái của bạn? Hay lịch sử tín dụng của tôi?
Trao đổi những vấn đề này với Darren thì rất tuyệt, vì anh am hiểu về các
mạng lưới, đồng thời cũng có đôi mắt sắc sảo để phát hiện ra các lỗ hổng.
Nhưng hễ nói chuyện với nhau, anh lại có vẻ hài hước và xa cách; anh coi
vấn đề hacker thuần túy là một trò chơi trí tuệ. Tôi cảm giác rằng anh coi
thường tôi vì tôi bị cuốn vào việc này, và cứ nhăm nhe đi đuổi bắt gã hacker.
Cuối cùng, vào một buổi chiều, sau khi kiên nhẫn lắng nghe tôi than vãn về
gã hacker và những tiên đoán ảm đảm của tôi về những rắc rối trong tương
lai, Darren nhìn chằm chằm vào tôi.
“Cliff,” anh nói, “anh là một lão già cổ hủ. Tại sao anh phải quá để ý đến
chuyện có người sục sạo trong hệ thống của mình làm gì? Đó có thể là chính
là anh thời trẻ đấy. Anh từng trân trọng chủ nghĩa vô chính phủ sáng tạo mà,
bây giờ cái trân trọng ấy ở đâu rồi?”
Tôi cố biện hộ cho mình – như tôi đã thử với Laurie vài tháng trước. Tôi
không có sự chuẩn bị để trở thành một cảnh sát mạng. Tôi chỉ bắt đầu với
một bài toán đơn giản: Tại sao tài khoản của tôi lại có một lỗi sai 75 xu?