lần đăng nhập cho vui để tám chuyện, vẽ bậy, hoặc chỉ đơn giản là xem ai
đang ở trên mạng.
Trên các mạng lưới, có rất nhiều cơ hội cho “chủ nghĩa vô chính phủ sáng
tạo” – không có ai kiểm soát các mạng lưới, không có ai tạo ra nguyên tắc –
chúng tồn tại đơn thuần nhờ vào những nỗ lực hợp tác và chúng phát triển tự
do tùy theo mong muốn của người dùng. Việc giới hacker lạm dụng sự cởi
mở này có thể là dấu chấm hết cho phương thức vận hành mang tính suồng
sã, cộng đồng của các mạng lưới.
Cuối cùng tôi cũng có thể trả lời Darren. Việc tôi giao du với các điệp viên
vận comple tề chỉnh và vào vai cảnh sát máy tính xuất phát từ sự trân trọng
dành cho chủ nghĩa vô chính phủ sáng tạo. Để các mạng lưới trở thành sân
chơi chung, chúng ta phải gìn giữ được cảm thức về niềm tin; và để làm
được điều này, chúng ta phải nghiêm túc xử lí khi có người phá vỡ niềm tin
này.
Vậy là cuối cùng, tôi cũng cảm thấy đã hiểu ra vì sao mình lại làm thế;
nhưng dẫu vậy, tôi vẫn không biết mình đã làm gì. Tên của gã ở Hannover là
gì? Ai đứng đằng sau tất cả mọi việc? Không ai chịu nói cho tôi cả.
Khi mùa hè dần qua, vụ việc này có vẻ như đã chìm xuồng. Mike Gibbons
không chủ động gọi và cũng hầu như không nhấc máy khi tôi gọi. Mọi việc
như thể chưa có gì xảy ra cả.
Tôi hiểu rõ các khía cạnh kĩ thuật của vụ này – những lỗ hổng của máy tính
và vị trí của gã hacker. Chẳng phải đó là tất cả những gì tôi muốn biết hay
sao? Nhưng có điều gì đó không đúng. Tôi vẫn chưa thấy thỏa lòng.
Tôi đã biết cái gì và bằng cách nào. Nhưng tôi còn muốn biết ai và tại sao.