Chuyện này dẫn tới chuyện kia, và rồi cuối cùng thành ra tôi đi truy bắt một
gã hacker.
Nhưng tôi không mù quáng hành động theo cơn giận dữ bốc đồng, không cố
gắng bắt bằng được kẻ xâm phạm chỉ bởi vì hắn đã cả gan xuất hiện trong hệ
thống của mình. Tôi còn đi tìm hiểu về các mạng lưới. Trước đây, tôi cứ
tưởng rằng chúng là một thiết bị kỹ thuật phức tạp, một mớ dây rợ và mạch
điện rối rắm. Nhưng còn hơn cả thế –đó là một cộng đồng người lỏng lẻo,
gắn kết với nhau bằng niềm tin và sự hợp tác. Nếu niềm tin đó bị phá vỡ,
cộng đồng này sẽ vĩnh viễn biến mất.
Darren và những lập trình viên khác đôi khi tỏ ra khâm phục giới hacker vì
họ kiểm tra độ chắc chắn của các hệ thống, vạch ra những lỗ hổng và điểm
yếu của hệ thống. Tôi có thể tôn trọng quan điểm này – phải là người có suy
nghĩ trung thực và nghiêm túc mới cảm thấy biết ơn người đã chỉ ra sai lầm
cho mình – nhưng tới giờ thì tôi không thể tiếp tục nhất trí với cách nhìn đó
nữa. Tôi không coi gã hacker là kiện tướng cờ vua đang giảng dạy những bài
học giá trị bằng cách lợi dụng những điểm yếu trong hệ thống phòng vệ của
chúng ta, mà là một kẻ phá hoại đang gieo mầm ngờ vực và nghi hoặc vào
cộng đồng.
Trong một thị trấn nhỏ, nơi người dân không có thói quen khóa cửa, liệu
chúng ta có nên ca ngợi tên trộm đầu tiên vì hắn đã khiến người dân được
sáng mắt ra để thấy rằng việc để cửa mở là ngu xuẩn? Sau khi vụ trộm đó
xảy ra, thị trấn này sẽ không bao giờ có thể tiếp tục thói quen để cửa mở
nữa.
Hoạt động xâm nhập trái phép sẽ buộc các mạng lưới phải xây dựng các
hàng rào khóa và các chốt kiểm soát. Những người dùng hợp lệ sẽ cảm thấy
khó giao tiếp tự do hơn, khiến họ ngại ngần hơn khi chia sẻ thông tin với
nhau. Để sử dụng mạng lưới, chúng ta có thể sẽ phải trải qua bước xác nhận
danh tính và thông báo về mục đích truy cập – tức là sẽ không còn những