bạn sẽ phải xây dựng lại phần mềm hệ thống từ đầu. Việc này chỉ mất một
buổi chiều là xong. Nhưng nếu nhân nó với 1.000 địa điểm thì sẽ thế nào
đây? Hoặc là 50.000?
Cuối cùng, Câu lạc bộ Hỗn loạn cũng tự hào tuyên bố với báo giới về những
cuộc xâm nhập của chúng, và tự xưng là những lập trình viên xuất chúng.
Tôi tìm xem chúng có nhắc gì đến phòng thí nghiệm của mình, Milnet, hay
Hannover không. Không có gì. Có vẻ chúng chưa hề biết đến gã hacker của
tôi. Nhưng thật trùng hợp: Vài tháng sau khi tôi bắt được một gã hacker
người Đức xâm nhập vào các mạng lưới, thì một câu lạc bộ của Đức ra mặt,
tuyên bố rằng chúng đã xâm nhập được vào các mạng lưới của NASA.
Liệu có phải đây cũng là những kẻ đã xâm nhập vào máy tính của tôi? Tôi
nghĩ một lúc về điều này. Có vẻ nhóm Hỗn loạn hoạt động trên hệ điều hành
VMS và chỉ biết một chút về Unix. Gã hacker của tôi chắc chắn biết về
VMS, nhưng có vẻ hắn thành thạo Unix hơn. Và hắn không ngần ngại khai
thác bất cứ lỗ hổng nào trong máy tính. Hannover gần với Hamburg, nơi ở
của nhóm Hỗn loạn. Chưa đầy 160km.
Nhưng gã hacker của tôi đã bị bắt giữ vào ngày 20 tháng Sáu. Câu lạc bộ
Hỗn loạn lại xâm nhập vào các hệ thống hồi tháng Tám.
Chà. Nếu gã hacker LBL ở Hannover có liên lạc với Câu lạc bộ Hỗn loạn,
thì thông tin về việc bắt giữ hắn sẽ khiến cả băng nhóm kia sửng sốt. Ngay
khi nghe tin có thành viên bị bắt, chúng sẽ lo tẩu tán càng sớm càng tốt.
Thêm một tình tiết nữa… NASA không có bí mật. Ồ, có lẽ các loại hàng hóa
mà tàu con thoi quân sự chở là thông tin bí mật. Nhưng hầu hết mọi thứ
khác về NASA đều công khai. Ngay cả đến bản thiết kế tên lửa của họ cũng
để tênh hênh. Chúa ơi, bạn có thể mua được cả bản kế hoạch thiết kế tàu con
thoi không gian. Chốn này đâu cần đến gián điệp làm gì chứ.
Không, gã hacker của tôi không thuộc nhóm Hỗn loạn. Có thể hắn có mối
liên hệ lỏng lẻo với nhóm này, chẳng hạn hắn xem bảng tin điện tử của